Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, ngành gỗ cũng có những thuật ngữ riêng có thể khiến bạn bối rối khi gặp lần đầu. Trong bài viết này, JAVICO sẽ giúp bạn hiểu rõ những thuật ngữ ngành gỗ hay gặp nhất.

Các thuật ngữ liên quan đến khuyết tật của gỗ

  • Check: Vết rạn gỗ: Là vết nứt thớ gỗ theo chiều dọc, không xuyên suốt hết tấm gỗ, xuất hiện do ứng suất căng trong quá trình làm khô gỗ.
  • Split: Vết nứt gỗ: Là vết nứt thớ gỗ xuyên suốt từ mặt bên này sang tới mặt bên kia của tấm gỗ.

Hình ảnh phân biệt vết nứt gỗ và vết rạn gỗ. (Ảnh từ Internet)

Hình ảnh phân biệt vết nứt gỗ và vết rạn gỗ. (Ảnh từ Internet)

  • Decay: Vết sâu, mục, ruỗng: Là những vết xuất hiện khi gỗ bị phân hủy do nấm.
  • Pith fleck: Vết đốm trong ruột cây: Là những vệt sọc trong ruột cây có màu khác lạ, không tuân theo một quy tắc sắp xếp nào, xuất hiện do thân cây đang phát triển bị côn trùng tấn công.
  • Warp: Sự cong vênh: Là sự méo mó của phách gỗ khiến hình dạng phẳng ban đầu của gỗ bị biến dạng, thường xuất hiện trong quá trình làm khô gỗ và bao gồm các dạng như cong tròn, uốn cong, xoắn, gập lại hình móc câu…

Hình ảnh gỗ bị cong vênh. (Ảnh từ Internet)

Hình ảnh gỗ bị cong vênh. (Ảnh từ Internet)

Các thuật ngữ liên quan đến tính chất vật lý của gỗ

  • Density: Mật độ gỗ: Là khối lượng gỗ trên một đơn vị thể tích.
  • Durability: Độ bền của gỗ: Là khả năng chống lại sự tấn công của các loại côn trùng, sâu hại, bào tử nấm của gỗ.
  • Dimensional stability: Sự ổn định về kích thước của gỗ/Sự biến dạng khi sấy khô của gỗ: Cho biết lượng gỗ co lại hoặc nở ra do sự thay đổi về độ ẩm của gỗ hoặc độ ẩm của môi trường.
  • Hardness: Độ cứng của gỗ: Cho biết khả năng kháng lại các vết lõm và ma sát của gỗ, được đo bằng một lực cần thiết để ấn quả bóng thép có đường kính 11,28mm vào trong thân gỗ (độ sâu ấn bằng bán kính của quả bóng), tính bằng đơn vị Newton (N).

Cách kiểm tra độ cứng của gỗ. (Ảnh từ Internet)

Cách kiểm tra độ cứng của gỗ. (Ảnh từ Internet)

  • Moisture content (MC): Độ ẩm của gỗ: Cho biết khối lượng nước chứa trong gỗ, được tính bằng tỉ lệ phần trăm của khối lượng nước trong gỗ đã được sấy khô.
  • Modulus of elasticity (MOE): Suất đàn hồi của gỗ: Là lực tưởng tượng để kéo dãn được một mảnh vật liệu gỗ ra đến chiều dài gấp đôi chiều dài thực tế hoặc để nén được một mảnh vật liệu gỗ về với chiều dài bằng một nửa chiều dài thực tế, được đo dựa vào các thử nghiệm trên những mảnh gỗ khô nhỏ, tính bằng đơn vị Mega Pascal (MPa).
  • Modulus of Rupture: Độ bền uốn tĩnh: Là áp lực mà tấm vật liệu gỗ có thể chịu được cho đến khi gãy do bị bẻ cong.
  • Shinkage: Độ co rút của gỗ: Là sự co lại của thớ gỗ khi gỗ được sấy khô dưới điểm bão hòa (thường là khoảng 25 – 27% MC).
  • Specific gravity: Khối lượng riêng của gỗ: Là khối lượng tương đối của gỗ so với khối lượng tương đối của thể tích nước tương đương với gỗ, thường được tính dựa trên thể tích của gỗ khi còn tươi và khối lượng của gỗ khi đã được sấy khô.
  • Weight: Khối lượng của gỗ: Là khối lượng của gỗ khô, phụ thuộc vào khoảng cách giữa các tế bào gỗ (tỉ lệ phần tử gỗ so với khoảng không), được đo khi độ ẩm của gỗ đạt 12%, tính bằng đơn vị kg/m3.

[Tổng Hợp] Những Thuật Ngữ Ngành Gỗ Thường Gặp Nhất

Mỗi loại gỗ lại có khối lượng, khối lượng riêng khác nhau. (Ảnh từ Internet)

Các thuật ngữ liên quan đến cấu trúc của gỗ

  • Grain: Vân gỗ: Cho biết chiều hướng, kích thước, hình dạng, cách sắp xếp của sợi gỗ theo chiều dọc của tấm gỗ. Có 2 loại chính là vân gỗ thẳng và vân gỗ ngang. Trong đó, vân gỗ thẳng có các sợi gỗ chạy song song với trục dọc của tấm gỗ còn vân gỗ ngang có các sợi gỗ lệch khỏi trục dọc của tấm gỗ.

Hình ảnh vân gỗ. (Ảnh từ Internet)

Hình ảnh vân gỗ. (Ảnh từ Internet)

  • Figure: Đốm hình: Là những họa tiết được tạo nên trên bề mặt gỗ do các mắt gỗ, tia gỗ, vòng tuổi của gỗ, các đốm màu đặc biệt hay những vân gỗ bất thường (ví dụ như vân gỗ đan cài hoặc uốn sóng).
  • Gum pocket: Túi gôm/Túi nhựa: Là những vị trí quy tụ rất nhiều gôm, nhựa cây trong thân gỗ.
  • Heartwood: Lõi gỗ: Là các lớp gỗ nằm ở phía trong cùng của thân cây, được hình thành từ những tế bào giác gỗ đã già và chết đi, không chứa các tế bào đang trong quá trình phát triển, thường có màu sắc tối hơn, cứng, chắc, có tỉ trọng gỗ cao, khó thấm nước, chống sâu hại, nấm mốc, mối mọt tốt hơn so với giác gỗ.
  • Sapwood: Giác gỗ: Là lớp gỗ nằm giữa vỏ cây và lõi gỗ, có nhiệm vụ chống đỡ cho cấu trúc của cây, hút nước, dẫn các chất dinh dưỡng, khoáng chất để nuôi cây, thường có màu sáng hơn, có kết cấu mềm, xốp, thoáng hơn so với lõi gỗ.

Gỗ sugi Nhật Bản có phần lõi gỗ và giác gỗ được phân định rõ rệt. (Ảnh từ Internet)

Gỗ sugi Nhật Bản có phần lõi gỗ và giác gỗ được phân định rõ rệt. (Ảnh từ Internet)

  • Earlywood: Gỗ sớm: Là phần gỗ sinh ra ở điều kiện thuận lợi trong một chu kì sinh trưởng (thường vào mùa xuân hạ ở Việt Nam). Các tế bào gỗ sớm thường có ruột lớn, vách mỏng, có khả năng chịu các tác động cơ học thấp, màu gỗ thường sáng hơn so với gỗ muộn.
  • Latewood: Gỗ muộn: Là phần gỗ sinh ra ở điều kiện không thuận lợi trong một chu kì sinh trưởng (thường vào mùa thu đông ở Việt Nam). Các tế bào gỗ muộn thường có ruột nhỏ, vách dày, có khả năng chịu tác động cơ học tốt, màu gỗ thường sẫm hơn so với gỗ sớm.
  • Hardwood: Gỗ cứng: Là gỗ của các loại cây thuộc nhóm thực vật hạt kín, thường có lá rộng, rụng lá hằng năm. Ví dụ về gỗ cứng: gỗ sồi, gỗ tần bì, gỗ phong, gỗ óc chó…
  • Softwood: Gỗ mềm: Là gỗ của các loại cây thuộc nhóm thực vật hạt trần, thường có lá kim xanh quanh năm. Ví dụ về gỗ mềm: gỗ thông, gỗ tuyết tùng, gỗ bách…

Gỗ từ cây thông được phân loại là gỗ mềm. (Ảnh từ Internet)

Gỗ từ cây thông được phân loại là gỗ mềm. (Ảnh từ Internet)

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn những thuật ngữ thường được sử dụng trong ngành gỗ.

Công ty TNHH Đầu tư thương mại Xuất nhập khẩu Nhật Việt chuyên cung cấp gỗ nguyên liệu nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản, trong đó có các loại gỗ quý như gỗ hinoki, gỗ sugi… Chúng tôi có bề dày kinh nghiệm và mối quan hệ thân thiết với nhiều đối tác trong ngành gỗ tại Nhật Bản, đảm bảo cung cấp đủ sản lượng gỗ với chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh cho mọi đơn hàng.

Quý khách hàng quan tâm đến sản phẩm gỗ Nhật Bản vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 090.345.2121 để được tư vấn chi tiết và nhận báo giá ưu đãi nhất. Xin trân trọng cảm ơn.