Nhật Bản có tới 47 tỉnh thành khác nhau, nơi nào cũng sở hữu những cái nhất riêng của mình. Trong bài viết này, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu xem mỗi tỉnh thành Nhật Bản đứng số 1 ở sản phẩm, sản vật nào.

Vùng Hokkaido

Hokkaido: Sản lượng sữa lớn nhất Nhật Bản

Hokkaido: Sản lượng sữa lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Hokkaido chiếm tới hơn 50% sản lượng sữa của Nhật Bản và chất lượng sữa của Hokkaido cũng nổi tiếng trên toàn thế giới về độ ngon, vị béo ngậy và sự sánh mịn. Điều này được lí giải là do Hokkaido có khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, đồng cỏ thoáng đãng, giúp tạo ra môi trường sống lí tưởng cho đàn bò.

Trong số các loại sữa, sản phẩm từ sữa của Hokkaido, có một sự sáng tạo thú vị là bia sữa (bilk) với thành phần gồm 30% sữa, đem lại cho bia hương vị ngọt ngào hơn hẳn bình thường.

Vùng Tohoku

Akita: Diện tích trồng tuyết tùng lớn nhất Nhật Bản

Akita: Diện tích trồng tuyết tùng lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Akita có tới hơn 70% diện tích là rừng, khoảng một nửa trong số đó là rừng trồng và chủ yếu là cây tuyết tùng Nhật Bản (sugi). Các khu rừng trồng sugi ở Akita được trồng sau năm 1970 trong phong trào trồng 10.000ha rừng mỗi năm của người dân Akita.

Với vân gỗ đẹp và hương thơm độc đáo, gỗ sugi được sử dụng nhiều trong đời sống. Những sản phẩm nổi bật làm từ gỗ sugi của Akita là thùng gỗ và bồn gỗ, còn được biết đến với cái tên Akita-sugi Oke Taru.

Xem chi tiết: Gỗ Sugi – Gỗ Quý, Gỗ Thơm Từ Nhật Bản

Aomori: Sản lượng táo lớn nhất Nhật Bản

Aomori: Sản lượng táo lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Aomori chiếm tới hơn 60% sản lượng táo của Nhật Bản, được mệnh danh là vương quốc táo của xứ sở Phù Tang, đồng thời táo nơi đây cũng được đánh giá là ngon nhất thế giới. Aomori là nơi có đất đai trù phú, khí hậu lạnh, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, lượng mưa thấp, rất thích hợp để trồng táo. Các kĩ thuật trồng táo ở Aomori rất cầu kì, tỉ mỉ nên táo khi thu hoạch luôn có màu sắc đẹp và hương vị thơm ngon đặc biệt.

Có tới khoảng 50 giống táo khác nhau được trồng ở Aomori, trong đó có những giống táo nổi tiếng như táo Fuji có màu đỏ sậm, cân bằng giữa vị ngọt và chua, táo Mutsu có màu đỏ tươi, quả to, hương thơm, vị ngọt vừa phải, táo Kinsei có màu vàng tươi, thịt táo giòn và mọng nước, vị ngọt đậm…

Fukushima: Sản lượng dưa leo (dưa chuột) hè thu lớn nhất Nhật Bản

Fukushima: Sản lượng dưa leo (dưa chuột) hè thu lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Nhờ khí hậu ôn hòa, dưa leo được trồng khắp tỉnh Fukushima và được thu hoạch trong suốt mùa hè và mùa thu. Đây được coi là một trong những loại rau mùa hè đặc trưng nhất của Fukushima. Dưa leo mang thương hiệu Iwase là nổi tiếng nhất với lớp vỏ xanh đậm, thịt mềm và mọng nước.

Iwate: Sản lượng than củi lớn nhất Nhật Bản

Iwate: Sản lượng than củi lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Iwate sản xuất ra khoảng 1/4 số lượng than củi của Nhật Bản, hầu hết đều là than đen làm từ gỗ sồi được trồng tại tỉnh Iwate bằng cách nung gỗ từ từ trong các lò Iwate GamaIwate Tairyo Gama độc đáo.

Than củi Iwate được carbon hóa đồng đều với vết nứt tối thiểu, than cứng và có tỉ lệ carbon cố định cao nên cháy lâu, ít khói và mùi khi đốt, để lại ít tro, được đánh giá rất cao về chất lượng.

Miyagi: Sản lượng cá kiếm đánh bắt lớn nhất Nhật Bản

Miyagi: Sản lượng cá kiếm đánh bắt lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Miyagi dẫn đầu về sản lượng cá kiếm đánh bắt được ở Nhật Bản và chợ cá Kesennuma ở tỉnh này được coi là vựa cá kiếm hàng đầu của xứ sở hoa anh đào.

Cá kiếm có thớ thịt trắng phau, thịt cá mềm mịn, có độ béo và vị ngọt nhẹ tự nhiên. Được đánh bắt quanh năm nhưng khoảng thời gian từ tháng 10 tới tháng 3 năm sau được coi là thời điểm cá kiếm có chất lượng cao nhất. Khi đến Miyagi, sashimi cá kiếmshabu-shabu cá kiếm là hai món ăn không thể không thưởng thức.

Yamagata: Sản lượng anh đào lớn nhất Nhật Bản

Yamagata: Sản lượng anh đào lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Yagamata chiếm tới khoảng 80% sản lượng anh đào của Nhật Bản và khoảng 70% anh đào thu hoạch ở đây thuộc giống Sato Nishiki – vua của các loại anh đào – với lớp vỏ mỏng, màu đỏ hồng ngọc đẹp mắt và vị ngọt thanh dễ chịu.

Vào tháng 6 hằng năm, tại Yagamata sẽ diễn ra lễ hội anh đào để tôn vinh loại trái cây này. Du khách đến Yagamata vào dịp này có thể tham gia vào những buổi hái anh đào và ăn thỏa thích tại các vườn anh đào, thưởng thức các loại kem, đồ uống, đồ ngọt… độc đáo làm từ trái anh đào.

Vùng Kanto

Chiba: Sản lượng đậu phộng (lạc) lớn nhất Nhật Bản

Chiba: Sản lượng đậu phộng (lạc) lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Chiba chiếm tới hơn 70% sản lượng đậu phộng của Nhật Bản. Đất đai ở Chiba được bao phủ bởi tro núi lửa nên rất màu mỡ, đem lại cho đậu phộng hương vị vô cùng đậm đà, đặc biệt là có vị ngọt nhẹ. Ở Chiba, người ta đã tìm ra nhiều cách để chế biến đậu phộng như luộc, hấp, nướng, ngâm, làm bánh…

Gunma: Sản lượng búp bê daruma lớn nhất Nhật Bản

Gunma: Sản lượng búp bê daruma lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Búp bê daruma là búp bê truyền thống của Nhật Bản, tượng trưng cho sự may mắn, thường được người Nhật dùng làm quà tặng với mong muốn những sự an lành sẽ đến với người mình yêu quý.

Búp bê daruma đầu tiên được tạo ra ở đền Shorinzan Daruma-ji thuộc thành phố Takasaki, tỉnh Gunma. Cho đến ngày nay, thành phố Takasaki của tỉnh Gunma vẫn là nơi sản xuất ra nhiều búp bê daruma nhất tại Nhật Bản, chiếm tới 80% sản lượng búp bê daruma tại xứ sở hoa anh đào.

Ibaraki: Sản lượng dưa lưới lớn nhất Nhật Bản

Ibaraki: Sản lượng dưa lưới lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Trong hơn 20 năm liên tiếp, Ibakari là nơi sản xuất ra nhiều dưa lưới nhất Nhật Bản. Với thổ nhưỡng được thiên nhiên ưu đãi cùng kĩ thuật chăm sóc đặc biệt trong nhà kính, dưa lưới được trồng ở Ibakari đặc biệt thơm, ngon, ngọt.

Ibakari có nhiều giống dưa lưới ngon nổi tiếng như dưa lưới Ibaraking có hương thơm dễ chịu, thịt ngọt, dày, mềm, mọng nước, dưa lưới Quincy có ruột cam, vị ngọt thanh, thịt mềm, dưa lưới Otome có ruột xanh nhạt, vị ngọt tươi mới, mọng nước…

Kanagawa: Sản lượng rượu vang lớn nhất Nhật Bản

Kanagawa: Sản lượng rượu vang lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Kanagawa là nơi sản xuất ra nhiều rượu vang nhất Nhật Bản. Các loại rượu vang của Kanagawa rất đa dạng về màu sắc và hương vị.

Saitama: Sản lượng kem lớn nhất Nhật Bản

Saitama: Sản lượng kem lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Saitama sản xuất ra nhiều kem nhất Nhật Bản. Đây cũng là nơi cho ra đời những vị kem độc nhất vô nhị như kem vị hành lá, kem vị nước tương

Tochigi: Sản lượng dâu tây lớn nhất Nhật Bản

Tochigi: Sản lượng dâu tây lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Kể từ năm 1968, Tochigi luôn là nơi sản xuất ra nhiều dâu tây nhất Nhật Bản. Với đất đai màu mỡ, dòng nước sạch mát lành, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn cùng nhiều giờ nắng trong mùa đông, Tochigi có những điều kiện tốt nhất để dâu tây sinh trưởng.

Ở Tochigi, dâu tây được trồng trong nhà kính nên chín từ từ, do đó dâu rất ngọt và ngon. Đây cũng là quê hương của Tochiotome – giống dâu tây được yêu thích nhất Nhật Bản.

Tokyo: Sản lượng việt quất lớn nhất Nhật Bản

Tokyo: Sản lượng việt quất lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Tokyo là nơi có sản lượng việt quất cao nhất ở xứ sở mặt trời mọc. Thành phố Kodaira ở Tokyo là nơi đầu tiên trồng việt quất tại Nhật Bản. Ở Tokyo, mùa việt quất kéo dài từ giữa tháng 6 tới giữa tháng 9.

Vùng Chubu

Aichi: Sản lượng nghêu lớn nhất Nhật Bản

Aichi: Sản lượng nghêu lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Aichi là nơi có sản lượng nghêu cao nhất Nhật Bản, nghề đánh bắt nghêu ở đây rất phát triển. Ở Aichi, nghêu là một nguyên liệu quan trọng trong nhiều món đặc sản như mì udon nghêu, cơm nghêu

Fukui: Sản lượng lúa mạch mochi-mugi lớn nhất Nhật Bản

Fukui: Sản lượng lúa mạch mochi-mugi lớn nhất Nhật . (Ảnh từ Internet)

Lúa mạch mochi-mugi (lúa mạch ngọc trai) có hàm lượng chất xơ cao, thường được sử dụng để làm trà lúa mạch và lúa mạch cán. Fukui chính là vùng trồng lúa mạch mochi-mugi lớn nhất Nhật Bản, chiếm tới trên 30% sản lượng của cả nước.

Gifu: Sản lượng dao kéo lớn nhất Nhật Bản

Gifu: Sản lượng dao kéo lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Gifu là nơi làm ra nhiều dao kéo nhất Nhật Bản. Thành phố Seki, tỉnh Gifu được coi là quê hương của bộ dao kéo nhà bếp Nhật Bản hiện đại. Nhiều công ty sản xuất dao kéo lớn có trụ sở tại Seki.

Sản phẩm dao kéo của Seki kế thừa kĩ thuật làm kiếm có lịch sử hơn 700 năm của Nhật Bản và thuộc top những thương hiệu hàng đầu trên thế giới.

Ishikawa: Sản lượng vàng lá lớn nhất Nhật Bản

Ishikawa: Sản lượng vàng lá lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Ishikawa là nơi sản xuất ra nhiều vàng lá nhất Nhật Bản. Tại thành phố Kanazawa, tỉnh Ishikawa, vàng lá đã bắt đầu được sản xuất từ cách đây hơn 400 năm. Hiện nay, lượng vàng lá được sản xuất tại Kanazawa chiếm hơn 90% sản lượng của cả nước.

Những tấm vàng lá với độ dày chỉ 1/10.000mm được dát mỏng đều nhau một cách tinh xảo, khéo léo, không bị rách được sản xuất tại Kanazawa là biểu tượng của vàng lá Nhật Bản, được sử dụng để trang trí trên các sản phẩm thủ công mĩ nghệ, trên tượng Phật…

Nagano: Sản lượng rau diếp lớn nhất Nhật Bản

Nagano: Sản lượng rau diếp lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Nagano có sản lượng rau diếp đứng đầu Nhật Bản. Diện tích của Nagano chủ yếu là núi, rất phù hợp để trồng những loại rau như rau diếp. Làng Kawakami ở tỉnh Nagano được mệnh danh là thủ phủ rau diếp của Nhật Bản, trồng rất nhiều giống rau diếp khác nhau, mỗi giống lại có kết cấu và hương vị đặc trưng riêng.

Niigata: Sản lượng bánh gạo lớn nhất Nhật Bản

Niigata: Sản lượng bánh gạo lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Với đất đai màu mỡ, Niigata là một trong những vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất Nhật Bản, nổi tiếng với gạo ngon và Niigata cũng là nơi đứng đầu xứ sở mặt trời mọc về sản lượng bánh gạo. Lượng bánh gạo được sản xuất tại Niigata chiếm tới hơn 50% sản lượng bánh gạo của cả nước. Các loại bánh gạo ở Niigata vô cùng đa dạng về cách chế biến, hình dáng và hương vị.

Shizuoka: Sản lượng chè lớn nhất Nhật Bản

Shizuoka: Sản lượng chè lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Shizuoka là vùng trồng chè lớn nhất và có sản lượng chè dẫn đầu Nhật Bản, được mệnh danh là vương quốc trà xanh của Nhật Bản. Nơi đây có lịch sử trồng chè lâu đời, từ những năm 1200.

Với lớp đất núi lửa màu mỡ, giàu khoáng chất, nguồn nước ngọt trong vắt và sự đa dạng về khí hậu, những cây chè ở Shizuoka không chỉ sinh trưởng tốt mà còn có hương vị tinh tế và có những nét đặc trưng riêng ở mỗi vùng trồng, có nơi thì chè chát nhẹ, thơm nồng nàn, có nơi thì chè ngọt thanh tao.

Bên cạnh đó, những kĩ thuật canh tác và chế biến được người dân nơi đây đúc kết và truyền lại qua nhiều thế hệ cũng góp phần không nhỏ trong việc làm nên chất lượng nổi tiếng của chè Shizuoka, mang về cho sản phẩm chè Shizuoka nhiều giải vàng, giải đặc biệt trong các cuộc thi.

Xem thêm: Văn Hóa Trà Đạo Nhật Bản: Lịch Sử Và Quy Tắc

Toyama: Sản lượng hạt ý dĩ lớn nhất Nhật Bản

Toyama: Sản lượng hạt ý dĩ lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Toyama là nơi sản xuất ra nhiều hạt ý dĩ nhất Nhật Bản. Ở đây, hạt ý dĩ không chỉ được sử dụng để làm trà mà còn là nguyên liệu của nhiều món mì, kem tươi…

Yamanashi: Sản lượng nho lớn nhất Nhật Bản

Yamanashi: Sản lượng nho lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Yamanashi là nơi sản xuất ra nhiều nho nhất Nhật Bản. Nhờ lượng mưa thấp, sự chênh lệch nhiệt độ giữa mùa hè và mùa đông lớn, nho ở Yamanashi không chỉ sinh trưởng tốt mà còn có vị ngon ngọt tuyệt vời.

Nho đã được trồng ở Yamanashi khoảng 1.300 năm trước. Đến nay, kĩ thuật trồng nho ở đây đã vô cùng phát triển, các vườn nho được chăm sóc rất nghiêm ngặt và kì công nên trái nho vừa to, vừa ngọt, vừa thơm. Người nông dân ở Yamanashi canh tác nhiều giống nho khác nhau, trong đó có nhiều loại nho nổi tiếng như nho Kyoho, nho Shine Muscat

Vùng Kansai

Hyogo: Sản lượng cam Naruto lớn nhất Nhật Bản

Hyogo: Sản lượng cam Naruto lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Hyogo là nơi thu hoạch cam Naruto nhiều nhất Nhật Bản. Đảo Awaji ở tỉnh Hyogo là quê hương của loài cam Naruto. Cam Naruto có sự kết hợp giữa vị chua dễ chịu, vị ngọt thanh và vị đắng nhẹ.

Kyoto: Sản lượng namagashi lớn nhất Nhật Bản

Kyoto: Sản lượng namagashi lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Kyoto là nơi làm ra nhiều namagashi nhất Nhật Bản. Namagashi là đồ ngọt có độ ẩm từ 30% trở lên, có kết cấu mềm, dẻo, mịn và hương vị tươi mới, gồm các loại là dango (bánh trôi làm từ bột nếp), manju (bánh có vỏ ngoài làm từ bột, nhân là đậu đỏ) và yokan (thạch làm từ đậu đỏ, agar và đường).

Mie: Sản lượng kabusecha lớn nhất Nhật Bản

Mie: Sản lượng kabusecha lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Mie chiếm tới gần 70% sản lượng kabusecha của xứ sở Phù Tang. Kabusecha là một loại sencha cao cấp của Nhật Bản được trồng trong bóng râm. Khoảng 1 – 2 tuần trước khi thu hái, một tấm màn sẽ được phủ lên cây chè để ngăn ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào cây, từ đó giúp trà được tăng vị ngọt, giảm vị chát.

Nara: Sản lượng đũa dùng 1 lần lớn nhất Nhật Bản

Nara: Sản lượng đũa dùng 1 lần lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Nara là nơi làm ra nhiều đũa dùng 1 lần nhất Nhật Bản, chiếm tới khoảng 70% sản lượng của cả nước.

Vùng Yoshino ở tỉnh Nara đặc biệt nổi tiếng với sản phẩm đũa dùng 1 lần làm từ gỗ sugi. Trước đây, ở Yoshino có rất nhiều gỗ sugi thừa ra trong quá trình làm thùng rượu, và đũa dùng 1 lần ở đây đã được làm ra để tận dụng phần gỗ này.

Osaka: Sản lượng rau tần ô (rau cải cúc) lớn nhất Nhật Bản

Osaka: Sản lượng rau tần ô (rau cải cúc) lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Osaka là nơi trồng và thu hoạch rau tần ô (rau cải cúc) lớn nhất Nhật Bản. Rau tần ô trong tiếng Nhật được gọi là shungiku hoặc kikuna. Người Nhật coi rau tần ô là nguyên liệu không thể thiếu trong các món salad, lẩu sukiyaki và lẩu shabu-shabu.

Shiga: Sản lượng vải nỉ ép và vải không dệt lớn nhất Nhật Bản

Shiga: Sản lượng vải nỉ ép và vải không dệt lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Shiga là nơi sản xuất ra nhiều vải nỉ ép và vải không dệt nhất Nhật Bản. Các loại vải này được sử dụng để may thảm, tã lót, khẩu trang dùng 1 lần…

Wakayama: Sản lượng quýt mikan lớn nhất Nhật Bản

Wakayama: Sản lượng quýt mikan lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Wakayama có sản lượng thu hoạch quýt mikan lớn nhất Nhật Bản trong nhiều năm qua. Quýt mikan ở tỉnh Wakayama nổi tiếng vì có vỏ mỏng, dễ bóc, vỏ màu cam đậm đẹp mắt và hương vị tươi ngon.

Vùng Chugoku

Hiroshima: Sản lượng hàu nuôi lớn nhất Nhật Bản

Hiroshima: Sản lượng hàu nuôi lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Hiroshima là vùng nuôi hàu lớn nhất Nhật Bản, chiếm tới khoảng 60% sản lượng của cả nước. Ở Hiroshima, nghề nuôi hàu có từ hơn 400 năm trước. Hàu Hiroshima to, dày thịt, nhiều dinh dưỡng, khi ăn có vị umami đậm đà và vị tươi đặc trưng.

Okayama: Sản lượng hẹ vàng kinira lớn nhất Nhật Bản

Okayama: Sản lượng hẹ vàng kinira lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Okayama chiếm tới hơn 70% sản lượng hẹ vàng kinira của Nhật Bản. Hẹ vàng mềm và có vị ngọt umami dễ chịu, phải trồng 2 năm mới thu hoạch được, có thể dùng để chiên, rán ngập dầu hoặc ăn sống đều rất ngon.

Shimane: Sản lượng hoa mẫu đơn lớn nhất Nhật Bản

Shimane: Sản lượng hoa mẫu đơn lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Shimane có sản lượng hoa mẫu đơn chiếm khoảng 90% sản lượng của cả nước. Hoa mẫu đơn du nhập vào Nhật Bản từ khoảng thế kỉ thứ 8, và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Shimane rất phù hợp với loại hoa này. Ở Shimane, vào khoảng cuối tháng 4 đến tháng 5 hằng năm sẽ có lễ hội hoa mẫu đơn.

Tottori: Sản lượng giấy inshu washi lớn nhất Nhật Bản

Tottori: Sản lượng giấy Inshu Washi lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Tottori là nơi sản xuất ra khoảng 50% lượng giấy thủ công truyền thống inshu washi. Giấy inshu washi mềm, hút ít mực và bút lông có thể lướt rất nhanh trên giấy. Loại giấy inshu washi nổi tiếng nhất là loại có họa tiết, thích hợp để viết thư pháp và thư họa.

Yamaguchi: Sản lượng cá ankou đánh bắt lớn nhất Nhật Bản

Yamaguchi: Sản lượng cá ankou đánh bắt lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Sản lượng đánh bắt cá ankou của Yamaguchi dẫn đầu Nhật Bản. Cá ankou là một đặc sản của mùa đông. Mặc dù có vẻ ngoài khá “đáng sợ” nhưng cá ankou có vị hương vị tuyệt đỉnh, đặc biệt phần gan cá.

Vùng Shikoku

Ehime: Sản lượng iyokan lớn nhất Nhật Bản

Ehime: Sản lượng iyokan lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Ehime chiếm tới 90% sản lượng iyokan của xứ sở Phù Tang. Đây là một loại trái cây thuộc họ cam quýt của Nhật Bản, được trồng ở Ehime từ khoảng năm 1889 và nhanh chóng trở thành đặc sản của tỉnh này.

Iyokan có vỏ màu cam sẫm, hơi dày hơn vỏ của quýt mikan nhưng vẫn dễ bóc bằng tay, các múi thơm, mọng nước và có vị ngọt.

Kagawa: Sản lượng mì udon lớn nhất Nhật Bản

Kagawa: Sản lượng mì udon lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Kagawa nổi tiếng là có mì udon ngon, đây vừa là nơi làm ra nhiều mì udon nhất Nhật Bản, vừa là nơi tiêu thụ nhiều mì udon nhất Nhật Bản. Ở Kagawa có tất cả những yếu tố để tạo ra một bát mì udon ngon, đó là bột mì hảo hạng, cá cơm khô, muối và nước tương ngon.

Kochi: Sản lượng gừng lớn nhất Nhật Bản

Kochi: Sản lượng gừng lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Kochi chiếm tới 40% sản lượng gừng của Nhật Bản. Gừng ở Kochi chủ yếu được trồng dọc theo các con sông Shimanto, Monobe và Nioyodo và được thu hoạch trong tháng 10, tháng 11. Gừng Kochi nổi tiếng với vị cay dịu nhẹ, ít xơ và hương thơm dễ chịu, rất thích hợp để ngâm đồ chua, làm gia vị nấu ăn.

Tokushima: Sản lượng chanh sudachi lớn nhất Nhật Bản

Tokushima: Sản lượng chanh sudachi lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Tokushima chiếm khoảng 98% sản lượng chanh sudachi của cả nước Nhật. Chanh sudachi tròn nhỏ, có vỏ xanh, mỏng, vị rất chua, có mùi thơm đặc trưng, thường được sử dụng trong nước chấm, nước ép, trang trí món ăn.

Vùng Kyushu

Fukuoka: Sản lượng măng tre lớn nhất Nhật Bản

Fukuoka: Sản lượng măng tre lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Fukuoka là nơi thu hoạch được nhiều măng tre nhất Nhật Bản. Măng tre của Fukuoka nổi tiếng với vị ngọt nhẹ. Vùng Ouma ở tỉnh Fukuoka là một trong những vùng có măng ngon nhất, măng ở đây được sử dụng chủ yếu trong các nhà hàng truyền thống cao cấp ở Kyoto và Osaka. Ở Nhật Bản, măng tre được sử dụng trong nhiều món ăn như takenoko gohan (cơm măng), yaki takenoko (măng nướng), menma (măng muối)…

Kagoshima: Sản lượng khoai lang lớn nhất Nhật Bản

Kagoshima: Sản lượng khoai lang lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Kagoshima chiếm khoảng hơn 30% tổng sản lượng khoai lang của Nhật Bản. Khoai lang được trồng ở Kagoshima từ khoảng thế kỉ 17. Với khí hậu ấm áp và đất tro núi lửa màu mỡ, khoai lang sinh trưởng tốt và trở thành một đặc sản ở đây.

Kagoshima có nhiều loại khoai lang khác nhau, trong đó có những loại nổi tiếng như khoai lang beni haruka có vị ngọt ngào, bên trong mềm ẩm, khoai lang annou beni có vị ngọt như mật ong, bên trong dính như kem…

Kumamoto: Sản lượng dưa hấu lớn nhất Nhật Bản

Kumamoto: Sản lượng dưa hấu lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Sản lượng dưa hấu của Kumamoto chiếm khoảng 16% tổng sản lượng của cả nước. Mùa dưa hấu ở Kumamoto kéo dài từ tháng 3 tới tháng 6 và dưa hấu ở đây nổi tiếng với vị ngọt đặc trưng.

Miyazaki: Sản lượng hyuganatsu lớn nhất Nhật Bản

Miyazaki: Sản lượng hyuganatsu lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Miyazaki là quê hương và cũng là nơi có sản lượng hyuganatsu cao nhất, chiếm khoảng 54% tổng sản lượng hyuganatsu của Nhật Bản.

Hyuganatsu là loại quả thuộc họ cam chanh, quả có kích thước trung bình, hình tròn đến hơi thuôn dài, phần vỏ khi chín có màu vàng nhạt, múi ngon ngọt, hơi chua. Cái tên hyuganatsu được ghép từ 2 từ hyuga là tên cổ của tỉnh Miyazaki và natsu có nghĩa là mùa hè.

Nagasaki: Sản lượng sơn trà lớn nhất Nhật Bản

Nagasaki: Sản lượng sơn trà lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Nagasaki là nơi sản xuất ra khoảng 30% lượng sơn trà của Nhật Bản. Sơn trà Nagasaki nổi tiếng là có phần thịt dày màu cam đậm đẹp mắt, vị tươi mát, ngọt chua cân bằng.

Oita: Sản lượng nấm shiitake khô lớn nhất Nhật Bản

Oita: Sản lượng nấm shiitake khô lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Sản lượng nấm shiitake khô của Oita chiếm khoảng 39% tổng sản lượng của Nhật Bản. Nấm shiitake khô của Oita nổi tiếng thơm ngon với vị ngọt umami, được sử dụng rất nhiều trong các món ăn.

Okinawa: Sản lượng xoài lớn nhất Nhật Bản

Okinawa: Sản lượng xoài lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Sản lượng xoài của Okinawa chiếm tới khoảng 48% tổng sản lượng xoài của Nhật Bản. Xoài Okinawa có 2 loại là xoài táo khi chín có vỏ màu tím đỏ và xoài Keats khi chín vỏ có màu xanh lá cây. Mùa xoài ở đây kéo dài từ tháng 6 tới tháng 8.

Saga: Sản lượng rong biển trồng lớn nhất Nhật Bản

Saga: Sản lượng rong biển trồng lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Saga là nơi trồng nhiều rong biển nhất Nhật Bản, sản lượng rong biển trồng ở Saga chiếm tới khoảng 26% tổng sản lượng của cả nước. Rong biển Saga có màu nâu sậm, óng ả, có mùi thơm, vị ngọt, mang đậm hương vị của biển.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những sản phẩm, sản vật mà mỗi tỉnh thành của Nhật Bản đang đứng ở vị trí số 1.