Làng nghề cỏ tế Phú Túc là một trong những làng nghề nổi tiếng của Hà Nội, cho ra đời những sản phẩm đan lát giản dị, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế. Trong bài viết này, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về làng nghề và nghề đan cỏ tế Phú Túc.

Làng nghề đan cỏ tế Phú Túc ở đâu?

Làng nghề đan cỏ tế Phú Túc thuộc xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 40km.

Xã Phú Túc có 8 thôn là Đường La, Hoàng Xá, Lưu Động, Lưu Thượng, Lưu Xa, Phú Túc, Trình Viên và Tư Sản. Cả 8 thôn đều có nghề đan cỏ tế, trong đó Lưu Thượng là nơi có truyền thống lâu đời nhất.

Lịch sử của làng nghề cỏ tế Phú Túc

Theo Ngọc phả của làng Lưu Thượng, vào năm 1683, bà Nguyễn Thảo Lâm là người đầu tiên đưa cây cỏ tế về làng. Bà đã dành nhiều công sức để tìm hiểu, mày mò, nghiên cứu các đặc tính của cây, từ đó đưa ra cách để biến cây cỏ tế thành nguyên liệu quan trọng trong việc sản xuất các đồ dùng phục vụ đời sống, sinh hoạt hằng ngày.
Trước đây, chỉ người dân Lưu Thượng có nghề đan cỏ tế, sau đó nghề mới được nhân rộng ra toàn xã. Tuy nhiên, bí quyết chẻ cây cỏ tế thì chỉ người Lưu Thượng mới làm được.

Nghề đan cỏ tế đã có mặt ở Phú Túc hàng trăm năm nay. (Ảnh từ Internet)

Nghề đan cỏ tế đã có mặt ở Phú Túc hàng trăm năm nay. (Ảnh từ Internet)

Các sản phẩm của làng nghề Phú Túc

Làng nghề Phú Túc có rất đa dạng sản phẩm, đủ các loại rổ, rá, bàn ghế, tủ, vali đựng quần áo, tráp đựng mĩ phẩm, lọ hoa, lẵng quả, nón, con giống, đồ trang trí…

Hiện nay, những người thợ ở Phú Túc không chỉ sử dụng mỗi nguyên liệu cỏ tế mà còn kết hợp cỏ tế với bẹ ngô, bẹ chuối, cói, bèo, mây, tre… để tạo ra hàng nghìn mẫu mã sản phẩm đẹp mắt, hợp thị hiếu.

Các sản phẩm của làng nghề cỏ tế Phú Túc vô cùng đa dạng. (Ảnh từ Internet)

Các sản phẩm của làng nghề cỏ tế Phú Túc vô cùng đa dạng. (Ảnh từ Internet)

Với ưu điểm là sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên, có mẫu mã vô cùng phong phú, chất lượng sản phẩm tốt, hình thức đẹp, độ bền cao và mức giá phải chăng, các sản phẩm của làng nghề cỏ tế Phú Túc rất được ưa chuộng cả ở trong và ngoài nước.

Nét độc đáo của sản phẩm đan từ cỏ tế tại Phú Túc

Cỏ tế thuộc họ Dương xỉ, thường mọc ở các vùng núi cao, trung du miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung từ Quảng Bình trở ra. Cỏ tế có ưu điểm là có độ bền cao, dễ tạo dáng nhờ sự mềm mại và dẻo dai, có mùi thơm tự nhiên dễ chịu, có màu nâu đỏ tự nhiên đẹp mắt nhưng cũng rất dễ nhuộm màu để tạo ra nhiều màu sắc phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Cỏ tế có màu nâu đỏ tự nhiên đặc trưng đẹp mắt. (Ảnh từ Internet)

Cỏ tế có màu nâu đỏ tự nhiên đặc trưng đẹp mắt. (Ảnh từ Internet)

Người thợ ở làng nghề Phú Túc nhuộm màu cho cỏ tế để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. (Ảnh từ Internet)

Người thợ ở làng nghề Phú Túc nhuộm màu cho cỏ tế để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. (Ảnh từ Internet)

Cỏ tế sau khi thu mua về sẽ được phân loại rồi đem phơi trong ít nhất là 3 nắng to liên tục để đảm bảo độ bền và màu sắc đạt tiêu chuẩn. Tiếp theo, tùy vào từng mặt hàng mà cỏ tế sẽ được để nguyên hoặc được chẻ làm 2, 3 hoặc 4 phần. Sau đó, người thợ sẽ chọn các thân cỏ có cùng màu sắc và độ dẻo dai để đan và tạo hình sản phẩm.

Sản phẩm đan xong được hun qua diêm sinh rồi nhúng qua dầu keo để bền màu và có màu sắc tươi tắn. Sau đó, sản phẩm sẽ được đem phơi và sấy khô. Tiếp theo, tùy vào đặc điểm của sản phẩm và yêu cầu của khách hàng mà sản phẩm có thể được đem đi nhúng dầu tiếp lần 2, lần 3, sau đó để khô kiệt rồi đóng gói.

Các sản phẩm của làng nghề Phú Túc được phơi khô dưới nắng. (Ảnh từ Internet)

Các sản phẩm của làng nghề Phú Túc được phơi khô dưới nắng. (Ảnh từ Internet)

Thực tế phát triển của nghề đan cỏ tế Phú Túc hiện nay

Hiện nay, các sản phẩm của làng nghề cỏ tế Phú Túc không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được xuất khẩu tới nhiều thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Mĩ, Trung Đông, châu Âu…

Các công đoạn sản xuất cũng dần được chuyên môn hóa thành từng nhóm chuyên đan thân, đan đế, phơi, sấy, hun, phun bóng… để gia tăng năng suất.

Nghề đan cỏ tế ở Phú Túc đã giúp giải quyết vấn đề việc làm và gia tăng nguồn thu nhập cho người dân, làm giàu cho địa phương một cách hiệu quả.

Làng nghề Phú Túc hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh, góp phần giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập, gìn giữ và phát triển nghề đan cỏ tế truyền thống. (Ảnh từ Internet)

Làng nghề Phú Túc hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh, góp phần giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập, gìn giữ và phát triển nghề đan cỏ tế truyền thống. (Ảnh từ Internet)

Ngoài ra, làng đan cỏ tế Phú Túc còn là một điểm du lịch làng nghề và việc xây dựng thương hiệu làng nghề ở đây cũng rất được chú trọng, giúp tăng cường việc quảng bá hình ảnh và sản phẩm của làng nghề sâu rộng hơn.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về nghề đan cỏ tế và làng nghề Phú Túc – nơi những người thợ luôn miệt mài làm ra những sản phẩm giản dị mà vô cùng hữu ích từ những vật liệu tự nhiên.