Việt Nam – “đất trăm nghề của trăm vùng” – nổi tiếng với những đôi bàn tay khéo léo có thể biến những vật liệu tưởng chừng như “vô dụng” thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, đẹp mắt, có tính ứng dụng cao. Và trong bài viết này, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu về một sản phẩm như thế: đồ thủ công mỹ nghệ bằng cỏ tranh.
Cây cỏ tranh gắn bó với đời sống người Việt từ hàng trăm năm trước
Cỏ tranh (hay cỏ gianh) ở Việt Nam là một loại cây sống lâu năm, có phần rễ lan dài, ăn sâu trong lòng đất. Lá cỏ tranh mọc đứng, lá cứng, có gân nổi, dáng lá dài và hẹp, mặt trên của lá nhám, mặt dưới nhẵn, mép lá sắc và dễ cứa đứt tay. Hoa cỏ tranh có hình chùy, màu trắng, có dạng sợi như bông, rất nhẹ, dễ phát tán đi xa theo gió.
Cây cỏ tranh có sức sống vô cùng mãnh liệt và có mặt ở khắp mọi vùng miền Việt Nam, từ hải đảo cho đến các khu vực đồng bằng, trung du, vùng núi.
Đồi cỏ tranh bát ngát ở Việt Nam. (Ảnh từ Internet)
Từ xa xưa, người dân Việt Nam đã tận dụng rễ cỏ tranh làm quà vặt, làm thuốc nhờ công dụng lợi tiểu, vị ngọt, thơm mát; tận dụng lá cỏ tranh để làm mái lợp nhà, làm phên ngăn vách nhờ sự bền chắc (ví dụ các ngôi nhà dài truyền thống của người Ê-đê ở khu vực Tây Nguyên thường có phần mái tranh lợp dày tới 15 – 20cm và tới 20 – 30 năm mới phải lợp lại một lần); tận dụng tro cỏ tranh sau khi đốt làm muối; tận dụng cỏ tranh tươi làm thức ăn cho trâu, bò hoặc phơi khô cỏ tranh để ủ ấm cho gia cầm, gia súc khi đông tới…
Dần dà, với sự phát triển của y tế, khoa học, công nghệ, cây cỏ tranh không còn được sử dụng nhiều như trước và không còn được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, với đức tính cần cù, tiết kiệm cùng sự khéo léo và sáng tạo vốn có, người Việt Nam đã nhanh chóng tìm được hướng đi mới để tận dụng và làm giàu từ cây cỏ tranh.
Cỏ tranh hóa thành “vàng” khi trở thành đồ thủ công mỹ nghệ hôm nay
Để sản xuất ra các món đồ thủ công mỹ nghệ, người ta sẽ sử dụng cỏ tranh khô. Theo đó, cỏ tranh sau khi thu hoạch sẽ được xử lý, phân loại và chọn lọc cẩn thận, tiếp đó được đan thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, rồi lại phải trải qua các khâu xử lý hoàn thiện, kiểm tra chất lượng kĩ lưỡng trước khi đến với người tiêu dùng.
Cây cỏ tranh sau khi thu hoạch sẽ được sử dụng để làm thành các món đồ thủ công mỹ nghệ đẹp mắt, có tính ứng dụng cao. (Ảnh từ Internet)
Cây cỏ tranh hiện nay đang là vật liệu rất được ưa thích trong ngành thủ công mỹ nghệ nhờ những ưu điểm dưới đây:
- Thứ nhất, cây cỏ tranh có sức sinh sôi và phát triển mạnh mẽ nên đảm bảo được nguồn cung vật liệu dồi dào.
- Thứ hai, vật liệu cỏ tranh là vật liệu hoàn toàn tự nhiên, rất thân thiện với môi trường, phù hợp với lối sống xanh hiện nay.
- Thứ ba, sản phẩm từ cây cỏ tranh mang nét đẹp mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên, có sức thu hút riêng với khách hàng, đặc biệt là khách hàng nước ngoài.
Ngoài ra, có một điều đáng nói là việc sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ bằng cỏ tranh còn giúp tạo ra việc làm, thu nhập tại chỗ cho người dân, từ đó phát triển một mô hình sinh kế hỗ trợ người dân thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Bên cạnh đó, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng cỏ tranh khi được xuất khẩu ra nước ngoài cũng góp phần đem lại nguồn ngoại tệ cho đất nước.
Hiện nay, đồ thủ công mỹ nghệ đan lát bằng cỏ tranh của Việt Nam đang phổ biến nhất là dòng sản phẩm đồ chơi dành cho thú cưng của người nước ngoài, sử dụng cỏ tranh để đan thành các vật dụng, đồ chơi… độc đáo cho thú cưng. Các sản phẩm này có ưu điểm là được đan thủ công tỉ mỉ với độ hoàn thiện cao, hoàn toàn tự nhiên, không có chất phụ gia hay chất kết dính, giúp thú cưng được gần gũi với thiên nhiên nên được người nước ngoài rất ưa thích, và đã tìm được lối đi vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản…
Cây cỏ tranh thô mộc hóa thành những sản phẩm đẹp mắt nhờ đôi tay khéo léo của người thợ thủ công. (Ảnh từ Internet)
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu thêm về đồ thủ công mỹ nghệ bằng cỏ tranh – sản phẩm đã giúp mở ra sinh kế mới, tôn vinh sự khéo léo, sáng tạo, không ngừng tìm kiếm hướng phát triển của người Việt Nam.