Được mệnh danh là “xứ mây”, làng nghề Phú Vinh từ lâu đã nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mây tre đan tinh xảo. Trong bài viết này, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về lịch sử và những đặc điểm nổi bật của làng nghề mây tre đan Phú Vinh.

Làng mây tre đan Phú Vinh ở đâu?

Làng nghề Phú Vinh nằm dọc theo Quốc lộ 6A, thuộc địa phận xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 27km về phía Tây Nam, có tổng diện tích khoảng 821,39 hecta.

Hình ảnh người dân làng nghề Phú Vinh đan lát các sản phẩm từ mây, tre. (Ảnh từ Internet)

Hình ảnh người dân làng nghề Phú Vinh đan lát các sản phẩm từ mây, tre. (Ảnh từ Internet)

Lịch sử làng nghề mây tre đan Phú Vinh

Tổ nghề của làng nghề mây tre đan Phú Vinh là ai không rõ, thế nhưng làng nghề có lịch sử đã hơn 400 năm. Sản phẩm lâu đời nhất của làng còn được lưu giữ đến nay là một tác phẩm thư pháp chữ Hán đan bằng mây đã có từ năm 1712, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Theo tài liệu nghiên cứu của CLB Nghệ nhân Phú Vinh, dưới thời vua Thành Thái, đã có tới 9 nghệ nhân ở làng nghề mây tre đan thôn Phú Vinh (Chương Mỹ) được nhà vua phong sắc.

Làng mây tre đan Phú Vinh có lịch sử phát triển đã từ rất lâu. (Ảnh từ Internet)

Làng mây tre đan Phú Vinh có lịch sử phát triển đã từ rất lâu. (Ảnh từ Internet)

Trước đây, làng Phú Vinh có tên gọi là Phú Hoa Trang, có ý nghĩa trời phú cho dân có bàn tay tài hoa bởi người dân nơi đây có đôi tay khéo léo, rất giỏi trong việc đan lát mây tre. Đến những năm 1800, làng được đổi tên thành Phú Vinh và cái tên này tồn tại cho đến bây giờ.

Theo thời gian, cha truyền con nối, người dân Phú Vinh cứ thế gắn bó, nằm lòng những đặc tính của cây mây, cây tre, để rồi nghề đan mây tre đã dần dần phát triển thành nghề truyền thống ở vùng đất này, những sản phẩm mây tre đan của Phú Vinh cũng ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã và trở nên tinh xảo, đẹp mắt hơn.

Các sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh

Trước đây, các sản phẩm của làng mây tre đan Phú Vinh chủ yếu là các loại dần, sàng, thúng, mủng, túi, hộp… truyền thống để phục vụ đời sống hằng ngày.

Hiện nay, không chỉ dừng lại ở việc sử dụng các vật liệu và kĩ thuật truyền thống, các nghệ nhân Phú Vinh đã tìm cách để kết hợp mây, tre với các vật liệu khác cũng như tìm tòi thêm những kĩ thuật mới giúp tạo nên những sản phẩm độc đáo, tiêu biểu có thể kể đến như các sản phẩm gốm sứ quấn mây, các sản phẩm mây tre đan tạo hình 3D… Nhờ đó, sản phẩm của làng nghề đã trở nên phong phú hơn, trong đó có nhiều dòng sản phẩm đòi hỏi sự sáng tạo và kĩ thuật cao như:

  • Đồ trang trí: tranh chân dung, tranh phong cảnh, câu đối, hoành phi, tượng động vật…
  • Đồ nội thất: kệ, giường, tủ, ghế đẩu, ghế sofa, chụp đèn, lồng đèn, rèm cửa, bình hoa, khung ảnh, lồng bàn màn tuyn, miếng lót cốc/bát/đĩa…
  • Đồ trang sức: vòng tay, vòng cổ, hoa tai…

Dưới đây là hình ảnh về một số sản phẩm của làng nghề mây tre đan Phú Vinh (hình ảnh sưu tầm từ Internet):

Sản phẩm của làng nghề mây tre đan Phú Vinh. (Ảnh từ Internet)

Sản phẩm của làng nghề mây tre đan Phú Vinh. (Ảnh từ Internet)

Sản phẩm của làng nghề mây tre đan Phú Vinh. (Ảnh từ Internet)

Sản phẩm của làng nghề mây tre đan Phú Vinh. (Ảnh từ Internet)

Sản phẩm của làng nghề mây tre đan Phú Vinh. (Ảnh từ Internet)

Quy trình sản xuất các sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh

Để có được những sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt, từng khâu từ lựa chọn, thu mua, sơ chế, xử lý nguyên liệu đầu vào cho đến đan lát, chế tác đều đòi hỏi những người thợ ở làng nghề Phú Vinh phải hiểu rõ về chất liệu mây tre và thực hiện thật cẩn thận, tỉ mỉ.

Ở khâu chọn lựa và thu mua nguyên liệu:

  • Đối với tre: phải chọn cây tre không non, không già, thân thẳng, có độ cứng cao.
  • Đối với mây: phải chọn cây mây vừa đủ lớn, thân thẳng, tròn đều.

Từng thân tre, thân mây phải được chọn lựa kĩ càng. (Ảnh từ Internet)

Từng thân tre, thân mây phải được chọn lựa kĩ càng. (Ảnh từ Internet)

Ở khâu sơ chế nguyên liệu:

  • Đối với tre: phải đem tre đi phơi tái rồi xử lý chống mối mọt bằng cách ngâm trong hóa chất khoảng 10 ngày hoặc ngâm trong nước theo phương pháp truyền thống.
  • Đối với mây: phải róc bỏ hết lớp vỏ gai bên ngoài, sau đó đem đi phơi hơi tái.

Cây mây phải được róc hết lớp vỏ gai bên ngoài. (Ảnh từ Internet)

Cây mây phải được róc hết lớp vỏ gai bên ngoài. (Ảnh từ Internet)

Ở khâu xử lý nguyên liệu:

  • Đối với tre: phải cạo vỏ rồi đánh bóng bằng giấy ráp, tiếp theo cho tre vào lò và dùng rơm rạ hoặc lá tre để hun khói nhằm tạo màu, làm khô nguyên liệu và chống cong vênh, sau đó đợi tre nguội thì đem đi uốn thẳng.
  • Đối với mây: phải được phơi sấy cẩn thận để đảm bảo nguyên liệu khô và có màu đẹp, tránh tình trạng khi sấy có quá nhiều hoặc quá ít khói khiến mây bị đỏ, khi phơi gặp mưa hoặc nắng quá to khiến mây mất đi vẻ đẹp, vẻ tươi, mây chưa đủ khô thì bị xỉn màu, mây khô kiệt quá thì mất đi sự óng mềm.

Ở khâu chẻ sợi, chẻ nan:

  • Để đan lát được thì cả mây và tre đều cần chẻ thành sợi, thành nan. Tùy vào từng sản phẩm mà những sợi, những nan mây, tre sẽ có chiều dài và kích thước khác nhau. Tuy nhiên, người thợ cần hết sức khéo léo để các sợi, các nan thật đều nhau, có thế thì sản phẩm mới đẹp được.
  • Với sợi mây, để đan cạp các sản phẩm thông thường thì dùng sợi mây to, để làm các sản phẩm cầu kì, có giá trị cao thì cần dùng sợi mây nhỏ. Muốn sợi mây theo một cỡ, người thợ sẽ tùy vào cây mây nhỏ hay to để chẻ chẵn hay chẻ lẻ. Thường thì với cây nhỏ, người thợ sẽ chẻ làm tư, làm sáu, còn với cây lớn thì người thợ sẽ chẻ làm bảy, làm chín.
  • Sau khi chẻ, các sợi, các nan mây, tre được đem đi chuốt cho thật phẳng, bóng, mượt, rồi được phơi thật khô. Ngoài ra, sợi mây thường sẽ được nhúng vào nước lá cây sòi băm nhỏ đã nấu sôi để tạo màu tự nhiên mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời đảm bảo độ bền màu lâu tới 30 – 40 năm.

Mây, tre phải được chẻ sợi, chẻ nan thật đều. (Ảnh từ Internet)

Mây, tre phải được chẻ sợi, chẻ nan thật đều. (Ảnh từ Internet)

Sau khi mây, tre đã được xử lý, người thợ Phú Vinh sẽ đan sản phẩm bằng đôi tay khéo léo. Trên mỗi sản phẩm, có thể có một hoặc nhiều kiểu đan, một hoặc nhiều loại sợi, loại nan được kết hợp với nhau để tạo ra những đường viền, hoa văn phong phú, hài hòa. Đặc biệt, Phú Vinh cũng là làng nghề mây tre đan duy nhất ở Việt Nam áp dụng kĩ thuật xâu xiên sử dụng sợi mây nhỏ xíu, tạo ra những sản phẩm tựa như được người nghệ nhân “thêu” bằng tay.

Bên cạnh đó, mỗi nghệ nhân lại thường có một phong cách sáng tạo riêng nên các sản phẩm của làng nghề mây tre đan Phú Vinh rất đa dạng và độc đáo.

Đôi tay khéo léo của người thợ làng Phú Vinh tạo nên những sản phẩm tinh xảo. (Ảnh từ Internet)

Đôi tay khéo léo của người thợ làng Phú Vinh tạo nên những sản phẩm tinh xảo. (Ảnh từ Internet)

Sau khi đan xong, người thợ có thể đem sản phẩm đi nhúng keo, sơn màu, phủ bóng bề mặt và cắt tỉa lại để đảm bảo độ hoàn thiện cao nhất cho sản phẩm trước khi đóng gói và đưa tới tay người tiêu dùng.

Thực tế nghề mây tre đan tại làng nghề Phú Vinh hiện nay

Mây, tre là những vật liệu tự nhiên dân dã nhưng qua đôi tay khéo léo, khối óc sáng tạo cùng những kinh nghiệm được đúc kết từ bao đời của những người thợ ở làng nghề Phú Vinh đã trở thành những sản phẩm độc đáo, tinh tế, có tính thẩm mỹ cao, đáp ứng cả xu hướng cổ điển và hiện đại. Các sản phẩm mây, tre đan cũng có ứng dụng vô cùng đa dạng, từ làm đồ gia dụng, đồ trang trí, nội thất đến làm phụ kiện thời trang, thiết kế công trình nhà ở… Đặc biệt, mây, tre không chỉ có tính dẻo dai, dễ tạo hình mà còn rất bền. Theo nghệ nhân ở làng nghề Phú Vinh, các sản phẩm mây tre đan nếu biết giữ, tuổi thọ của sản phẩm có thể trên cả tuổi thọ con người.

Người dân Phú Vinh đan lát các sản phẩm mây tre. (Ảnh từ Internet)

Người dân Phú Vinh đan lát các sản phẩm mây tre. (Ảnh từ Internet)

Trong xu thế sống xanh, thân thiện với môi trường hiện nay, các sản phẩm mây tre đan nói chung và các sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh nói riêng ngày càng được ưa chuộng.

Các sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh không chỉ được bán trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Theo thống kê, tổng sản phẩm của làng có 40% để phục vụ thị trường nội địa, còn 60% để phục vụ xuất khẩu tới các thị trường như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc…

Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện Chương Mỹ có khoảng 142 cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm mây tre giang đan và ước tính mỗi năm làng nghề sẽ cần tới 600 tấn mây, 700 tấn song, 500 nghìn cây tre, nứa, giang, 100 nghìn cây trúc… để phục vụ sản xuất. Trước nhu cầu sử dụng nguyên liệu từ mây tre ngày càng tăng và nguồn cung ngày càng thiếu hụt, một số cơ sở sản xuất tại làng nghề Phú Vinh đã tiến hành hợp tác với các đơn vị nghiên cứu để chế biến và xử lý những nguyên liệu mới từ xơ của thân cây đu đủ, thân cây chuối, quả mướp… để thay thế nguyên liệu mây tre và bước đầu đã tạo ra được những sản phẩm mới có chất lượng tốt và tính thẩm mĩ cao.

Hiện nay, ngoài việc mở rộng phát triển sản xuất, người dân làng Phú Vinh cũng rất chú trọng tới việc dạy và truyền nghề cho thế hệ trẻ để tạo ra môi trường học tập, làm nghề giúp giữ gìn nghề truyền thống của “xứ mây” Hà Nội.

Việc truyền nghề cho lớp trẻ ở làng nghề mây tre Phú Vinh ngày càng được coi trọng. (Ảnh từ Internet)

Việc truyền nghề cho lớp trẻ ở làng nghề mây tre Phú Vinh ngày càng được coi trọng. (Ảnh từ Internet)

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn thêm hiểu về làng nghề mây tre đan truyền thống Phú Vinh và thêm yêu những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo của vùng đất này.