Làng lụa Vạn Phúc từ lâu đã nổi danh là một trong những làng nghề nổi tiếng bậc nhất Việt Nam với nghề làm lụa. Các sản phẩm lụa Vạn Phúc không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được bạn bè năm châu đánh giá cao. Trong bài viết này, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về làng nghề lụa Vạn Phúc.
Làng lụa Vạn Phúc ở đâu?
Làng lụa Vạn Phúc (hay còn gọi là làng lụa Hà Đông) thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 10km. Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc hiện vẫn còn giữ được nhiều nét cổ kính đặc trưng của làng quê Bắc Bộ với những hình ảnh sân đình, giếng nước, cây đa cổ thụ…
Làng lụa Vạn Phúc vẫn còn lưu giữ nhiều nét cổ kính. (Ảnh từ Internet)
Lịch sử làng lụa Vạn Phúc
Làng Vạn Phúc ban đầu là trang Vạn Bảo, sau đó mới đổi tên thành Vạn Phúc để tránh kị húy vào thời Nguyễn.
Tương truyền, cách đây hơn 1.000 năm, bà A Lã Thị Nương (cũng có truyền thuyết nói là bà Ả Lã Đê Nương, có truyền thuyết nói là bà Lã Thị Nga…) đã có công dạy người dân nơi đây nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải. Sau khi bà qua đời, người dân đã tôn bà thành tổ nghề và lập đền thờ cúng.
Đền thờ tổ nghề của làng lụa Vạn Phúc. (Ảnh từ Internet)
Lụa Vạn Phúc trước kia chuyên dùng để may trang phục cho vua chúa, quan lại. Năm 1931, lụa Vạn Phúc lần đầu tiên được đưa ra nước ngoài ở hội chợ Marseille và được người Pháp đánh giá là sản phẩm tinh xảo.
Trong giai đoạn 1958 – 1988, lụa Vạn Phúc được xuất khẩu sang các nước Đông Âu và từ năm 1990 trở đi, lụa Vạn Phúc đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Tính đến năm 2009, làng lụa Vạn Phúc có tới 1.000 khung dệt và sản xuất nhiều loại lụa cho thị trường cả trong và ngoài nước.
Năm 2014, Trung tâm sách Kỉ lục Việt Nam đã từng trao danh hiệu Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động cho tới ngày nay cho làng lụa Vạn Phúc. Ngày 6/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã công bố nghề dệt lụa Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc
Các sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc hiện nay rất phong phú, gồm đủ loại lụa hoa, lụa vân, lụa trơn, sa trơn, the trơn, đũi hoa, gấm, lĩnh… với nhiều mẫu hoa văn khác nhau. Ngoài những tấm lụa truyền thống, người dân Vạn Phúc cũng ngày càng đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng sản xuất ra cả những sản phẩm quà tặng làm từ lụa cao cấp như quần áo, áo dài, túi, ví, khăn, cà vạt, đồ lưu niệm… để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước.
Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc có đa dạng sản phẩm. (Ảnh từ Internet)
Những điểm nổi bật của lụa Vạn Phúc
Các sản phẩm lụa Vạn Phúc sử dụng nguyên liệu tơ tằm tự nhiên nên vừa đẹp, vừa bền, vừa mềm mại, mịn màng lại vừa óng ả, mặc mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Hiện nay, những người thợ, những nghệ nhân ở làng Vạn Phúc còn mày mò sáng tạo để kết hợp chất liệu tơ tằm với nhiều chất liệu vải khác, giúp tạo ra đa dạng những sản phẩm mới, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Hoa văn trên các sản phẩm lụa Vạn Phúc vô cùng đa dạng, thường dựa trên các chủ đề thực vật (hoa sen, hoa hồng, tùng, cúc, trúc, mai…), động vật (tứ linh, song hạc, lưỡng long song phượng, ngũ phúc, quần ngư vọng nguyệt…), đồ vật (đèn lồng, bình cổ, lẵng hoa, đồng tiền, cuốn thư…) và hình họa (chữ thọ, hình vuông…). Hiện nay, các hoa văn trên lụa Vạn Phúc ngày càng được đổi mới, có thêm nhiều họa tiết như trống đồng, Văn Miếu, hoa ban, hoa loa kèn… Tuy nhiên, dù là mẫu cũ hay mẫu mới thì hoa văn trên lụa Vạn Phúc vẫn đảm bảo tính đối xứng, cân xứng, đường nét của hoa văn thanh thoát chứ không rườm rà, phức tạp, tạo cảm giác dứt khoát, phóng khoáng.
Hoa văn, họa tiết trên lụa Vạn Phúc thanh thoát, phóng khoáng, cân xứng. (Ảnh từ Internet)
Để làm ra sản phẩm lụa Vạn Phúc, người thợ thủ công phải trải qua rất nhiều công đoạn như kéo kén, guồng tơ, mắc cửi, nối cửi, dệt tơ, nhuộm tơ… Ở công đoạn nào dù là thực hiện thủ công hay có sự hỗ trợ của máy móc, người thợ cũng luôn phải theo dõi cẩn thận, tránh tơ bị rối, bị lỗi khi mắc cửi, nối cửi, khi dệt… vì chỉ một sai sót nhỏ thôi cũng sẽ làm cả tấm lụa bị hỏng. Khi dệt, người thợ sử dụng càng nhiều sợi tơ thì lụa càng đẹp, càng dày, mịn, bóng, mát.
Mọi công đoạn trong quy trình sản xuất ra lụa Vạn Phúc đều được thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận. (Ảnh từ Internet)
Trong số các sản phẩm của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc thì nổi tiếng nhất chính là lụa vân. Đây là loại lụa cổ truyền có đặc điểm là hoa văn nổi thì bóng mịn, dễ thấy trên bề mặt tấm lụa, hoa văn chìm thì khi ra ánh sáng mới nhìn thấy, tấm lụa trông trong nhưng không già, không nhăn, trông có vẻ thưa nhưng lại không bị mỏng. Chính vì thế, lụa vân có vẻ đẹp trang nhã, hài hòa mà không quá bóng bẩy, ánh lụa tự nhiên, sắc màu tấm lụa biến đổi theo ánh sáng nên luôn đa sắc, đa chiều. Tấm lụa vân được dệt hoàn toàn thủ công, khi dệt vừa phải vo dây, vừa phải vo võng nên ở làng Vạn Phúc, chỉ có những người thợ có tay nghề cao mới dệt được loại lụa tinh xảo này.
Để dệt nên những tấm lụa vân tinh xảo của làng Vạn Phúc, người thợ phải thật khéo léo, có tay nghề cao. (Ảnh từ Internet)
Xem chi tiết: Lụa Tơ Tằm Được Làm Như Thế Nào?
Thực tế phát triển của làng nghề lụa Vạn Phúc hiện nay
Hiện nay, tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, những chiếc khung cửi truyền thống đã được thay bằng máy dệt hiện đại, khâu thiết kế hoa văn, phối màu cũng được ứng dụng thêm công nghệ đồ họa tiên tiến và được thay đổi cho phù hợp với thị hiếu của thị trường, nhưng chất lượng của sản phẩm thì vẫn luôn đảm bảo. Trung bình mỗi năm làng lụa Vạn Phúc sản xuất được 2,5 – 3 triệu mét lụa, phục vụ nhu cầu sử dụng của đông đảo khách hàng trong và ngoài nước.
Các sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc vẫn luôn được khách hàng đón nhận. (Ảnh từ Internet)
Bên cạnh việc duy trì và phát triển việc sản xuất các sản phẩm lụa, làng Vạn Phúc giờ đây còn là một điểm du lịch hấp dẫn với du khách gần xa, thu hút du khách bằng chiếc cổng làng xây bằng gạch đỏ mang đậm dấu ấn truyền thống, bằng con đường ô với hàng nghìn chiếc ô rực rỡ sắc màu, bằng bức tường bích họa tái hiện hoạt động sản xuất của làng nghề, bằng những chiếc khung dệt cổ từ bao đời để lại, bằng những gian hàng lụa với biết bao sản phẩm chất lượng, đẹp mắt, bằng những câu chuyện và trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm…
Con đường ô là một điểm nhấn thu hút du khách tại làng lụa Vạn Phúc. (Ảnh từ Internet)
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn thêm hiểu về làng nghề dệt lụa Vạn Phúc – một làng nghề thủ công nổi tiếng của Việt Nam luôn rộn rã tiếng thoi đưa từ ngàn xưa cho tới ngày nay.