Khi nhắc đến văn hóa Nhật Bản nói chung và ẩm thực Nhật Bản nói riêng, rượu sake là một phần không thể thiếu. Trong bài viết dưới đây, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về loại đồ uống đặc trưng này của xứ sở hoa anh đào.
Rượu sake Nhật Bản là gì?
Rượu sake Nhật Bản là một loại đồ uống có cồn được làm ra bằng cách lên men gạo, trong đó gạo cần trải qua quá trình xay xát và đánh bóng để loại bỏ cám. Quy trình sản xuất rượu sake dựa trên việc tinh bột được chuyển hóa thành đường, lên men thành rượu.
Rượu sake Nhật Bản được làm bằng cách lên men gạo. (Ảnh từ Internet)
Kĩ thuật lên men gạo thành đồ uống có cồn đã du nhập vào Nhật Bản cùng với nghề trồng lúa từ khoảng hơn 2.000 năm trước và kể từ đó, người Nhật đã không ngừng cải tiến để tạo ra loại rượu sake độc đáo. Ban đầu, chỉ triều đình mới có quyền nấu rượu sake. Sau đó, vào thế kỉ 10, các tổ chức tôn giáo bắt đầu nấu loại rượu này và từ thế kỉ 14, rượu sake đã được sản xuất thương mại. Từ thế kỉ 17, sản xuất rượu sake đã trở thành một ngành công nghiệp của Nhật Bản. Vào năm 1872, rượu sake Nhật Bản lần đầu được xuất khẩu và vào năm 1878, rượu sake lần đầu được đóng chai.
Rượu sake Nhật Bản có lịch sử lâu đời. (Ảnh từ Internet)
Rượu sake Nhật Bản làm từ gì?
Để sản xuất ra rượu sake, người Nhật sử dụng 4 nguyên liệu chính là gạo, nước, koji và nấm men.
Người Nhật có những loại gạo chuyên dụng để làm rượu sake. So với gạo ăn thông thường thì gạo để nấu rượu sake có kích thước lớn hơn, nhiều tinh bột hơn nhưng ít chất béo, chất đạm hơn. Gạo được xay xát, đánh bóng trước khi sử dụng, vừa để loại bỏ cám gạo, vi khuẩn, vừa để tạo ra hương vị của rượu sake theo ý muốn: gạo được đánh bóng kĩ thì rượu có hương vị nhẹ nhàng, tinh tế, gạo được đánh bóng ít hơn thì rượu có hương vị đậm đà hơn.
Gạo để làm ra rượu sake lớn hơn, nhiều tinh bột hơn so với gạo ăn thông thường. (Ảnh từ Internet)
Nước để nấu rượu sake phải là nước sạch, có chất lượng cao, ít khoáng chất. Thực tế, chất lượng nước ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của rượu sake. Chẳng hạn, nước chứa nhiều các khoáng chất như sắt, mangan sẽ khiến màu sắc, hương vị của rượu bị ảnh hưởng đáng kể.
Chỉ những nguồn nước sạch, có chất lượng tốt mới được sử dụng để nấu rượu sake. (Ảnh từ Internet)
Koji và nấm men giúp phân giải tinh bột thành đường, tạo ra các enzym, acid amin từ protein, chuyển hóa đường thành rượu, đóng vai trò quan trọng trong quá trình lên men cũng như trong việc tạo ra mùi thơm, hương vị của rượu sake.
Koji không thể thiếu trong quá trình làm ra rượu sake. (Ảnh từ Internet)
Cách nấu rượu sake Nhật Bản
Quy trình làm rượu sake về cơ bản diễn ra như sau:
- Bước 1: Đem gạo đã được chọn lựa kĩ đi xay xát và đánh bóng.
- Bước 2: Rửa sạch rồi ngâm gạo trong nước để tăng độ ẩm, sau đó đem đi hấp trong khoảng 1 giờ.
- Bước 3: Rắc nấm koji lên gạo hấp đã nguội và trộn đều, để khoảng 2 ngày để tạo thành koji.
- Bước 4: Lên men: Quá trình lên men rượu sake thường diễn ra trong khoảng 1 tháng.
– Ngày đầu tiên: Trộn koji, nấm men, gạo hấp và nước cùng nhau.
– Ngày thứ 2: Để nấm men sinh sôi.
– Ngày thứ 3: Cho thêm 1 mẻ koji, gạo hấp và nước vào hỗn hợp men.
– Ngày thứ 4: Cho thêm 1 mẻ koji, gạo hấp và nước nữa vào hỗn hợp men.
– Sau đó, để nguyên để quá trình lên men diễn ra. - Bước 5: Sau khi kết thúc quá trình lên men, rượu được ép để tách bã.
- Bước 6: Đem rượu sake thu được đi lọc, thanh trùng rồi đem đi ủ ít nhất 6 tháng.
- Bước 7: Sau khi ủ, rượu sake được pha loãng với nước để giảm nồng độ cồn rồi tiếp tục trải qua các công đoạn lọc, thanh trùng, cuối cùng là được đem đi đóng chai.
Rượu sake Nhật bao nhiêu độ?
Hầu hết rượu sake Nhật Bản sẽ được ủ đến khi mức nồng độ cồn đạt 20%, sau đó rượu sẽ được pha loãng trước khi đem đi đóng chai. Khi tới tay người tiêu dùng, rượu sake thường có nồng độ cồn ở mức 15 – 16%, cao hơn bia, rượu vang nhưng thấp hơn đa số các loại rượu được chưng cất khác.
Rượu sake Nhật thường có nồng độ cồn chỉ 15 – 16 độ. (Ảnh từ Internet)
Các loại rượu sake Nhật Bản
Thế giới rượu sake Nhật Bản vô cùng đa dạng, dưới đây là những dòng rượu sake phổ biến nhất:
- Honjozo: Có chứa một lượng nhỏ rượu chưng cất, sử dụng gạo có tỉ lệ xay xát, đánh bóng đến mức tối đa là 70%, thường có hương vị nhẹ, thơm.
- Junmai: Chỉ được làm từ gạo, nước, koji và nấm men, không có thêm các phụ gia khác, có hương vị đậm đà.
- Ginjo: Có chứa một lượng nhỏ rượu chưng cất, sử dụng gạo có tỉ lệ đánh bóng, xay xát đến mức tối đa là 60%, thường có hương vị trái cây thơm, tinh tế.
- Junmai Ginjo: Chỉ được làm từ gạo, nước, koji và nấm men, không có thêm các phụ gia khác, thường thơm và nhẹ hơn junmai.
- Daiginjo: Có chứa một lượng rất nhỏ rượu chưng cất, sử dụng gạo có tỉ lệ đánh bóng, xay xát từ tối thiểu là 50%, được ủ kĩ, thường rất thơm mùi trái cây.
- Nigori: Có màu trắng sữa, có một chút cặn gạo được cố ý để lại trong quá trình lọc, thường có vị ngọt.
- Namakaze: Không được thanh trùng, cần được bảo quản lạnh, thường có hương vị trái cây ngọt ngào, tươi mát.
- Koshu: Có thời gian ủ dưới 1 năm, thường có màu hổ phách, hương vị giống như mật ong.
Ngoài những cái tên trên, rượu sake còn rất nhiều dòng khác như Shiboritate, Jizake…
Có rất nhiều dòng, nhiều loại rượu sake khác nhau. (Ảnh từ Internet)
Để nhận xét rượu sake Nhật Bản loại nào ngon là rất khó vì mỗi dòng rượu lại có những đặc điểm riêng về hương vị, thích hợp với những món ăn, nhiệt độ thưởng thức khác nhau. Ví dụ, honjozo hợp với sashimi, nigori hợp với đồ ăn cay, namazake nên uống lạnh… Do đó, để luôn thưởng thức được rượu sake ngon, hãy kết hợp rượu với thức ăn đúng cách, đúng thời tiết.
Rượu sake Nhật Bản giá bao nhiêu?
Giá bán của rượu sake Nhật Bản vô cùng đa dạng, tùy theo dòng rượu, thương hiệu sản xuất… mà có loại có giá chỉ vài trăm ngàn đồng một chai, có loại có giá lên tới hàng triệu đồng một chai.
Mức giá của rượu sake vô cùng đa dạng, có nhiều loại đắt, rẻ khác nhau. (Ảnh từ Internet)
Cách uống rượu sake Nhật Bản
Thưởng thức rượu sake là một nét văn hóa độc đáo của Nhật Bản. Rượu sake thường được phục vụ trong một chiếc bình nhỏ bằng gốm sứ gọi là tokkuri. Loại chén dùng để uống rượu có thể là chén masu làm từ gỗ, chén sakazuki có thiết kế giống như chiếc đĩa, chén guinomi có hai bên thành cong, chén ochoko có hai bên thành thẳng đứng, ly thủy tinh đặt trong chén masu, ly rượu vang…
Có rất nhiều loại chén khác nhau để uống rượu sake. (Ảnh từ Internet)
Rượu sake có thể uống ở nhiệt độ phòng, ướp lạnh, hâm nóng hoặc thêm đá, thường được uống trong các bữa ăn nhẹ, không nên uống khi đang ăn cơm hoặc các món có cơm.
Khi rót sake, cần cầm bình tokkuri bằng cả hai tay, hoặc có thể cầm bình bằng một tay nhưng tay còn lại phải chạm hờ vào tay đang rót. Để rượu sake không bị nhỏ giọt xuống, có thể quấn một chiếc khăn quanh bình tokkuri. Khi rót rượu, cần rót lần lượt vào các chén nhưng không tự rót cho mình. Người được rót rượu cần nâng chén lên, một tay cầm bao quanh chén và một tay đặt dưới đáy chén.
Việc rót rượu sake cũng cần tuân thủ theo nhiều quy tắc. (Ảnh từ Internet)
Khi uống rượu sake ở nhà hàng, có thể nói kanpai rồi chạm cốc. Nếu người chạm cốc cùng có địa vị cao hơn, cần chú ý để vành chén của mình nằm dưới vành chén của họ khi chạm cốc. Sau khi nhận rượu sake, nên uống ít nhất một ngụm rồi mới đặt chén xuống bàn.
Để thưởng thức trọn vẹn hương vị của rượu sake, có thể nhấp một chút rượu, để rượu tan trong lưỡi, sau đó thở lên thật chậm bằng mũi rồi mới nuốt xuống. Với rượu sake được hâm nóng, cần uống từ từ để tránh hơi cồn xộc vào mũi và cổ họng. Ngoài ra, khi uống rượu sake thì không nên uống cạn chén chỉ trong một ngụm.
Khi uống rượu sake cùng người có địa vị cao hơn, nên xoay mặt khỏi phía của người đó. Nếu không muốn uống nhiều, hãy nhấp từng ngụm rượu nhỏ và không để chén cạn.
Nên uống rượu sake trong vòng 2 – 3 tháng sau khi mua và trong vòng 2 – 3 giờ sau khi mở nắp. Rượu sake nên được bảo quản ở nơi mát mẻ, tránh ánh nắng mặt trời.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu hơn về rượu sake – loại rượu được coi là quốc hồn quốc túy của xứ sở Phù Tang.