Đặc điểm của đá nhân tạo

Đá nhân tạo được kết hợp bởi khoáng đá tự nhiên và keo acrylic nên có độ cứng cao, chịu được các tác động từ môi trường bên ngoài. Vì thế, đá nhân tạo thường được dùng ở những nơi con người thường xuyên tác động như bàn bếp, cầu thang, mặt bàn…

Được kết hợp giữa các vật liệu tổng hợp, chất phụ gia và chất tạo màu nên đá nhân tạo mang trong mình một sự đa dạng về màu sắc nhất trong tất cả các vật liệu hiện nay, từ đơn sắc đến đa sắc, có hạt, có ánh kim sa và cả màu vân đá. Đây cũng chính là ưu điểm của đá nhân tạo so với đá tự nhiên. Nếu như bạn mong muốn dành cho không gian của bạn một sự nổi bật thì đá nhân tạo là một sự lựa chọn hợp lý, bạn có thể chọn những tông màu cá tính, nổi bật như đỏ, cam, xanh… đối lập với các gam màu nhã nhặn trong không gian của bạn nhằm làm nên sự riêng biệt và độc đáo của bạn. Nhưng nếu bạn mong muốn một không gian thiên về chiều sâu vả tinh tế thì cách chọn màu tương đồng và một lựa chọn hoàn toàn hợp lý.

Chưa dừng lại ở đó, đá nhân tạo có thể uốn cong nên không bị hạn chế về mặt ý tưởng trong thiết kế, bạn có thể thỏa sức sáng tạo và có thể tự mình thiết kế không gian riêng của bạn. Các mối nối trong quá trình thi công khó có thể nhìn thấy được nên các sản phẩm từ đá nhân tạo sẽ trở nên đẹp hoàn hảo.

Người ta thường hay sử dụng đá nhân tạo làm mặt bàn ăn, bàn bếp, chậu rửa chén… do đá nhân tạo hoàn toàn không thấm nước, chống bám bẩn và dễ dàng vệ sinh

Mặc dù đá nhân tạo có nhiều ưu điểm vượt trội tuy nhiên đá nhân tạo có một vài nhược điểm nhất định. Đá nhân tạo tuy chịu được các tác động từ bên ngoài, tuy nhiên nếu bị các va chạm mạnh thì có thể bị trầy xước hoặc trong quá trình sử dụng lâu, đá nhân tạo có thể bị trầy xước làm giảm độ bóng và gây xỉn màu đối với các màu sáng. Tuy nhiên, nhược điểm này có thể khắc phục được, bạn nên thuê dịch vụ bên ngoài đánh bóng lại bề mặt sản phẩm đá nhân tạo của bạn.

Vì là đá nhân tạo, được kết hợp bởi keo acrylic nên đá nhân tạo khi tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao có thể bị biến dạng, đây là một nhược điểm bạn nên lưu ý để có thể kéo dài tuổi thọ khi sử dụng.

Đá nhân tạo cũng có thể bị nứt vỡ khi bị tác động mạnh, trong trường hợp này, bạn có thể nhờ thợ thi công ghép nối lại tấm đá như lúc ban đầu.

Đặc điểm của đá Marble

Đá Marble, hay còn gọi là đá cẩm thạch, là một loại đá biến chất từ đá vôi, có cấu tạo không phân phiến. Thành phần chủ yếu của nó là canxit (dạng kết tinh của cacbonat canxi, CaCO3). Nó thường được sử dụng để tạc tượng cũng như vật liệu trang trí trong các tòa nhà và một số dạng ứng dụng khác. Từ đá hoa (marble) cũng được sử dụng để chỉ các loại đá có thể làm tăng độ bóng hoặc thích hợp dùng làm đá trang trí.

Xét về độ cứng, đá Marble thường không có độ cứng cao như đá Granite, nhưng bù lại, đá Marble có vân tự nhiên sống động và màu sắc tươi tắn hơn bất kỳ loại đá nào. Đá Marble có tính chất xốp, mềm và dễ thấm nước hơn so với đá Granite. Vì thế, nếu không xử lý chống thấm kỹ càng, về lâu dài sẽ thấm nước, dính bụi bẩn và chuyển màu, mất đi vẻ đẹp ban đầu. Ngoài ra, về mặt thi công cũng khó hơn vì rất dễ vỡ, mẻ và khó tìm sản phẩm tương đồng nên giá thi công cao hơn so với đá Granite. Tuy nhiên, vẻ đẹp sang trọng, gam màu lạnh nhưng trang nhã của đá Marble sẽ mang lại cho gia chủ sự thư thái, mát dịu, sang trọng. Đá Marble thường có giá cao hơn Granite và thường được sử dụng để lát các vị trí đặc biệt như cầu thang máy, ốp tường, sàn sảnh đón…

Ở thị trường Việt Nam hiện nay thịnh hành một số đá Marble sau: Trắng Carara (Ý), Volakas (Hy lạp, Ý), Trắng Hoàng Gia (Trung Quốc), Vàng Ai Cập (Ai Cập), Kream Marfil (Tây Ban Nha), Dark Emperado (Tây Ban Nha), Light Emparedo(Thổ Nhĩ Kỳ)…

Đặc điểm của đá Granite

Đá Granite, hay gọi là đá hoa cương, là loại đá tự nhiên được hình thành do sự biến chất của các loại đá vôi, đá carbonate hay đá dolomit. Quá trình biến chất tái tinh thể hóa các loại đá trầm tích này để thành các vân tinh thể đá xen kẽ lẫn nhau .

Vì kết cấu tinh thể, đá Granite có độ cứng cao, ít thấm nước, có thể lát ở các vị trí chịu xước, mài mòn như cầu thang bộ, sàn nhà, mặt tiền…Thường vì giá thành thấp hơn Marble, dễ thi công hơn vì ít gãy, mẻ nên nhìn chung đá Granite thường được dùng rộng rãi. Việt Nam rất nổi tiếng với các mỏ đá ở miền Trung. Khí hậu ở đây nóng nên đá Granite ở đây có độ bền về cơ học, màu sắc rất cao ngay cả với các công trình ở chịu nắng gió. So với các loại đá Granite ở các nước khác, điển hình là Trung Quốc, thì chất lượng vượt trội về độ cứng, bền màu và được các nước trên thế giới đánh giá cao.

Ở thị trường VLXD Việt Nam hiện nay thịnh hành một số đá granite sau: Đen Kim sa (Ấn Độ), Đỏ Brazil (Ấn Độ), Nâu Anh Quốc (Ấn Độ), Xà Cừ (Na Uy), Đen Huế (Trung Quốc), Tím Mông Cổ (Trung Quốc), Trắng Suối lau (Việt Nam), Đen Phú Yên (Việt Nam), Đỏ Bình Định(Việt Nam)….

Đá Marble Granite là hai loại đá được ứng dụng rộng rãi trong ốp lát ngành xây dựng. Ưu điểm của hai loại vật liệu này là tạo phong cách lịch lãm, thoáng mát , cách nhiệt, mang đến cho chủ nhân căn nhà một sự hòa hợp tuyệt vời giữa phong cách cổ điển và hiện đại. Ngoài ra, đá Marble – Granite còn có tính chịu lực cao và độ bền tốt. Độ dày của đá cho phép nền nhà chịu được sự va đập mạnh.

Đá nhân tạo, đá Granite, đá Marble tuy có những ưu và nhược điểm khác nhau, tuy nhiên nếu bạn chọn những loại đá thích hợp cho những vị trí thích hợp thì sẽ phát huy được hết ưu điểm và hạn chế được nhược điểm cùa chúng.