Làng nghề Dư Dụ từ lâu đã nức tiếng gần xa với kĩ thuật điêu khắc gỗ tinh xảo. Trong bài viết hôm nay, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về làng nghề độc đáo này.

Làng nghề điêu khắc Dư Dụ ở đâu?

Làng nghề Dư Dụ thuộc xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội, nằm trên Quốc lộ 21B, cách Hà Đông khoảng 10km.

Lịch sử của làng nghề Dư Dụ

Nghề điêu khắc gỗ xuất hiện tại Dư Dụ từ bao giờ chẳng rõ, thế nhưng đình làng Dư Dụ thì đã thờ ông tổ nghề mộc Lỗ Ban từ hơn 500 năm nay và ngày 4 tháng 5 âm lịch hằng năm là ngày giỗ tổ nghề.

Đình làng Dư Dụ đã thờ ông tổ nghề mộc Lỗ Ban hơn 500 năm nay. (Ảnh từ Internet)

Đình làng Dư Dụ đã thờ ông tổ nghề mộc Lỗ Ban hơn 500 năm nay. (Ảnh từ Internet)

Từ xa xưa, những người thợ của làng nghề Dư Dụ đã đi khắp các vùng để tạo ra những công trình, những tác phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao. Vào thời vua Minh Mạng, những người thợ điêu khắc gỗ của làng Dư Dụ còn được vời vào kinh đô Huế để xây dựng cung đình của triều Nguyễn, nhiều người thợ giỏi còn được vua ban sắc phong, bổng lộc, nhà cửa, ruộng vườn ngay tại kinh đô.

Thời vua Minh Mạng, những người thợ điêu khắc Dư Dụ đã tham gia vào việc xây dựng cung đình triều Nguyễn. (Ảnh từ Internet)

Thời vua Minh Mạng, những người thợ điêu khắc Dư Dụ đã tham gia vào việc xây dựng cung đình triều Nguyễn. (Ảnh từ Internet)

Các sản phẩm của làng nghề điêu khắc gỗ Dư Dụ

Trước đây, các sản phẩm của Dư Dụ gồm có hoành phi, y môn, câu đối, cửa võng, phù điêu, tranh khắc, đồ thờ, lèo tủ, bệ sập, tượng Phật…

Hiện nay, các sản phẩm của làng nghề vẫn rất đa dạng, phong phú nhưng tập trung chủ yếu vào các loại tượng Phật, tượng Tam đa, Tứ linh, tượng nhân vật lịch sử, tượng thú với những dòng sản phẩm đặc trưng như tượng Phật Di Lặc, tượng Phật Thích Ca, tượng Tam đa Phúc – Lộc – Thọ, tượng Thọ Tứ linh, tượng Tiên Tứ linh, tượng Quan Công, Lưu Bị, tượng Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…

Hiện nay, sản phẩm của làng nghề Dư Dụ tập trung chủ yếu vào các loại tượng gỗ. (Ảnh từ Internet)

Hiện nay, sản phẩm của làng nghề Dư Dụ tập trung chủ yếu vào các loại tượng gỗ. (Ảnh từ Internet)

Một điểm đáng lưu ý nữa là trước kia, các sản phẩm điêu khắc gỗ của làng nghề Dư Dụ chủ yếu được làm từ các loại gỗ quý hiếm, còn hiện nay đã dần được thay thế bằng những loại gỗ thông dụng như gỗ mít, gỗ xà cừ…

Những điểm độc đáo của sản phẩm điêu khắc gỗ Dư Dụ

Những sản phẩm của làng nghề Dư Dụ được người thợ thổi hồn vào từng họa tiết, từng dáng đứng, đặc biệt là các chi tiết trên khuôn mặt để tạo nên cái thần cho bức tượng. Đặc biệt, do các sản phẩm tượng gỗ của làng Dư Dụ chủ yếu là đồ thờ nên người thợ lại càng tỉ mỉ hơn, vừa để vừa ý gia chủ, vừa để cầu mong được thánh thần phù hộ có thêm nhiều may mắn, thêm mối làm ăn.

Người thợ làng Dư Dụ tỉ mỉ thổi hồn trong từng đường khắc. (Ảnh từ Internet)

Người thợ làng Dư Dụ tỉ mỉ thổi hồn trong từng đường khắc. (Ảnh từ Internet)

Để cho ra đời một sản phẩm điêu khắc gỗ, người thợ ở làng Dư Dụ trước tiên sẽ vẽ để tạo hình sản phẩm trên các khúc gỗ rồi dựa trên hình vẽ này để đục loại bỏ những phần gỗ thừa. Tiếp theo, người thợ sẽ đục thành chi tiết, trong quá trình này người thợ cần tinh ý, khéo léo lựa thớ gỗ để có thể loại bỏ những chi tiết thừa nhưng không làm khối gỗ bị vỡ cũng như không đục quá vào gỗ. Sau đó, người thợ sẽ tỉa, tách, hoàn thiện sản phẩm, cuối cùng là dùng giấy ráp để đánh bóng thành phẩm.

Để có được một bức tượng gỗ hoàn chỉnh, những người thợ điêu khắc gỗ ở làng nghề Dư Dụ phải thực hiện qua nhiều công đoạn. (Ảnh từ Internet)

Để có được một bức tượng gỗ hoàn chỉnh, những người thợ điêu khắc gỗ ở làng nghề Dư Dụ phải thực hiện qua nhiều công đoạn. (Ảnh từ Internet)

Để tạo ra được một sản phẩm điêu khắc gỗ đẹp cả về hình thức và ý nghĩa, người thợ Dư Dụ không chỉ cần khối óc sáng tạo, đôi tay khéo léo, tỉ mỉ trong từng chi tiết mà còn cần đến:

  • Sự tinh tế để bố trí sao cho những đường vân của khối gỗ nằm ở đúng những điểm nhấn đặc biệt để vừa nhấn mạnh ý nghĩa, vừa tạo ra sự phù hợp, hài hòa cùng nét độc đáo độc nhất vô nhị cho từng sản phẩm.
  • Sự tuân thủ chặt chẽ các quy luật của nghệ thuật tạo hình để đảm bảo sự hài hòa, cân đối và mực thước cho mỗi bức tượng gỗ.
  • Sự tính toán tỉ mỉ về âm dương ngũ hành, phong thủy và tuân thủ nghiêm ngặt về chất liệu, màu sắc, kích thước, sự sắp đặt sao cho đúng với quẻ bát quái, đảm bảo mỗi sản phẩm luôn mang đậm triết lí phương Đông.
  • Sự đổi mới không ngừng, biết ứng dụng các loại máy móc như máy cưa, máy tiện, máy phun sơn… để hỗ trợ quá trình thực hiện sản phẩm sao cho sản phẩm ngày càng tinh xảo hơn, có những mẫu mã, họa tiết mới lạ và độc đáo hơn.
  • Sự chăm chỉ, kiên trì, người thợ nhiều lúc phải đục đẽo trong đêm vì có những sản phẩm chỉ thể hiện rõ hình khối, vùng sáng, vùng tối dưới ánh đèn.

Mỗi sản phẩm tượng gỗ của làng Dư Dụ là sự tổng hòa của khối óc sáng tạo, đôi tay khéo léo, sự hiểu biết cặn kẽ các quy luật của nghệ thuật tạo hình, phong thủy, âm dương ngũ hành cùng sự tinh tế, tỉ mỉ, cái tâm làm nghề. (Ảnh từ Internet)

Mỗi sản phẩm tượng gỗ của làng Dư Dụ là sự tổng hòa của khối óc sáng tạo, đôi tay khéo léo, sự hiểu biết cặn kẽ các quy luật của nghệ thuật tạo hình, phong thủy, âm dương ngũ hành cùng sự tinh tế, tỉ mỉ, cái tâm làm nghề. (Ảnh từ Internet)

Thực tế phát triển của làng nghề điêu khắc gỗ Dư Dụ hiện nay

Cuộc sống ngày càng phát triển, đòi hỏi làng nghề cũng cần có những sự đổi mới cho phù hợp với thời cuộc. Những người thợ ở Dư Dụ đã linh hoạt, có nhiều sự thay đổi để làng nghề theo kịp với thời đại mới:

  • Gỗ nguyên liệu từ những loại quý hiếm dần được thay thế bằng những loại gỗ thông dụng hơn để không bị hạn chế về nguồn cung nguyên liệu.
  • Các loại công cụ truyền thống như cưa con, cưa xẻ, các loại đục, các loại tràng, các loại móng, búa… được tinh giản hóa và thay thế bằng các loại máy cưa, máy tiện, máy phun sơn… hiện đại hơn để rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức sản xuất.
  • Các cửa hàng trưng bày, hoạt động thương mại điện tử được đẩy mạnh để gia tăng doanh số bán hàng.

Người thợ Dư Dụ cũng đã sử dụng máy móc hiện đại vào quá trình sản xuất. (Ảnh từ Internet)

Người thợ Dư Dụ cũng đã sử dụng máy móc hiện đại vào quá trình sản xuất. (Ảnh từ Internet)

Chính vì thế, nghề điêu khắc gỗ Dư Dụ vẫn luôn là nhân tố đóng góp chính cho sự phát triển của kinh tế địa phương, thu nhập đến từ nghề điêu khắc gỗ của người thợ tại làng nghề cũng ổn định và được đánh giá tốt so với mặt bằng chung của nghề mộc.

Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề cho những lớp thợ mới tại Dư Dụ cũng luôn được chú trọng, các bậc cao niên luôn cố gắng truyền thụ những kĩ nghệ, ngón nghề cho các lớp con cháu. Con trai làng Dư Dụ có thể được truyền nghề từ khi 11 – 12 tuổi nhưng phải sau 2 – 3 năm mới được công nhận là phó nhỏ, đến 16 – 17 tuổi khi có tay nghề tinh tế hơn mới được trở thành thành viên chính thức của tốp thợ, đến 19 – 20 tuổi mới được trở thành thợ bạn, sau đó phải trải qua nhiều năm làm nghề mới được lên dần phó ba, phó hai, rồi phó cả – người thợ giỏi nghề, nhất là việc vẽ, chuyên đứng ra nhận việc và chỉ đạo những người thợ dưới làm.

Các sản phẩm của làng nghề điêu khắc gỗ Dư Dụ hiện nay không chỉ xuất hiện trong các gia đình, đền chùa… ở Việt Nam mà còn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á…, vừa góp phần đem lại nguồn thu nhập tốt cho các gia đình, vừa giữ cho làng nghề duy trì được sự phát triển, không bị mai một theo thời gian.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn thêm hiểu về làng nghề điêu khắc tượng gỗ Dư Dụ và thêm yêu, thêm trân trọng những bức tượng gỗ mang đậm dấu ấn của sự khéo léo, tài hoa của những người thợ nơi đây.