Xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là nơi có tới cả bảy làng làm nghề khảm trai đang thu hút rất đông lao động địa phương cũng như các vùng lân cận tham gia sản xuất. Từ đôi bàn tay cần mẫn tài hoa, mỗi năm nghề khảm trai Chuyên Mỹ xuất ra thị trường hàng triệu sản phẩm lớn nhỏ tinh xảo, đa dạng từ sập gụ, tủ, bàn ghế, khảm trai, hoành phi câu đối, tranh sơn mài…

Nằm ven sông Hồng, xã Chuyên Mỹ với hàng loạt các làng nghề khảm trai liền kề nhau san sát như Chuôn Thượng, Chuôn Trung, Chuôn Hạ, Chuôn Ngọ… gần đây thu hút rất đông lao động địa phương tham gia vào các cơ sở sản xuất. Theo thần phả của làng Chuôn Ngọ, nghề khảm trai nơi đây phát triển vào khoảng thế kỷ XI-XVI. Hiện ở đình làng Chuôn Ngọ vẫn thờ ông Trương Công Thành, một vị tướng văn võ song toàn dưới triều Lý (1009 – 1225) được dân làng Chuyên Mỹ suy tôn là ông tổ nghề của nghề khảm trai.

Từ những vỏ trai, vỏ ốc tưởng như vô dụng, những người thợ khảm Chuyên Mỹ có thể tạo ra bất kỳ họa tiết nào dù tinh vi, phức tạp đến đâu. Nghề khảm trai không đơn thuần chỉ có đục đẽo, mài, lắp ráp theo khuôn mẫu nhất định, đó còn là cả một quy trình bao gồm nhiều công đoạn mới tạo nên một sản phẩm khảm trai hoàn chỉnh.

Nguyên liệu khảm trai ở Chuyên Mỹ không chỉ có vỏ trai, vỏ ốc trong nước mà còn nhập ngoại từ Hồng Kông, Singapore, Indonesia… Vỏ trai dùng để khảm cũng có nhiều loại. Trai cánh mảnh, nhỏ có màu sẫm trong khi trai thịt trắng có vỏ dày, nhiều vân. Trai ngọc bên trong có lớp xà cừ dày óng ánh tựa sắc cầu vồng. Cùng với trai, vỏ ốc đỏ có màu sắc sang trọng được coi nguyên liệu quý hiếm dùng làm cảnh núi non, cánh phượng, cánh rồng hay họa tiết trên những bức tranh áo gấm vua chúa…

Một trong những công đoạn quan trọng nhất của nghề khảm trai là “cẩn xà cừ”, nghĩa là theo nét vẽ, đục gỗ và gắn những nguyên liệu họa tiết lên đó. Những tranh gỗ sau khi đã “cẩn” được tỉa gọn, đánh bóng (mài khảm) rồi vẽ nét. Công đoạn cưa, đục các mảnh trai là cầu kỳ nhất. Người thợ phải mài thủ công, ngâm rượu, hơ lửa, chẻ dóc miệng, chọn thợ đục, chọn lựa các miệng trai đầy đủ cho mặt tranh. Hàng trăm hàng nghìn miếng trai đính chặt vào mặt gỗ đã chạm sẵn khuôn hình. Mặt tranh hiện đầy đủ và đẹp với các hình ảnh từ dân gian tới đương đại.

Là một trong những làng làm nghề lớn nhất, nét nổi bật của tranh khảm trai Chuôn Ngọ là những mảnh trai không vỡ, có độ phẳng hoặc được uốn cong cho phù hợp với từng thành phẩm. Các chi tiết kỹ thuật đục và cẩn trai rất khít. Nhờ đường nét tinh xảo, sống động mà sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ nổi tiếng với giá trị rất cao. Những hàng đặt tủ chè, sập gụ khảm ốc giá từ 15 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy theo chất liệu khảm. Tủ chè khảm ốc đỏ từ 80 triệu đồng đến 200 triệu đồng.

Đến thăm hợp tác xã sơn khảm Ngọ Hạ có diện tích 5.000m2, chúng tôi ngỡ ngàng trước các sản phẩm mỹ nghệ thủ công truyền thống ở phòng trưng bày sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Vui, Chủ nhiệm hợp tác xã chia sẻ: “Ở Ngọ Hạ, khảm trai được coi như nghề chính, chiếm 70% thu nhập. Có nghề truyền thống, hàng trăm hộ dân làng thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời””. Với mức thu nhập từ 5 triệu – 6 triệu đồng/người/tháng, những năm gần đây, đời sống nông thôn ngày càng cải thiện. Hợp tác xã khảm trai Ngọ Hạ với hơn 50 xã viên sản xuất những mặt hàng phổ thông cho khách du lịch, ngoài ra mở thêm lớp dạy nghề cho trẻ em khuyết tật. Đồng thời, hợp tác xã cũng đã dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động phổ thông.

Bàn tay khéo léo, óc sáng tạo phong phú của những người thợ khảm Chuyên Mỹ mang đậm sắc thái văn hóa của vùng đất chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ đang trở thành điểm du lịch sinh thái làng nghề cuốn hút du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, các nghệ nhân khảm trai ở Chuyên Mỹ đang từng bước nâng cao tay nghề, sáng tạo nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch, với những sản phẩm tranh phong cảnh non nước, chân dung, tinh xảo đầy kỹ thuật cao.