Viên nén gỗ đang ngày càng được sử dụng rộng rãi để thay thế cho các loại nhiên liệu truyền thống. Vậy viên nén gỗ là gì, được làm từ nguyên liệu nào, có ứng dụng như thế nào và được chế biến ra sao? Trong bài viết này, JAVICO sẽ giải đáp những thắc mắc trên giúp bạn.
Viên nén gỗ là gì?
Viên nén gỗ (trong tiếng Anh được gọi là wood pellet) là một loại nhiên liệu sinh học được làm từ các phụ phẩm, phế phẩm của quá trình chế biến gỗ như dăm gỗ, mùn cưa, vỏ bào…
Cụ thể, dăm gỗ, mùn cưa, vỏ bào… được thu gom sau quá trình chế biến gỗ sẽ được đem đi nén ép dưới áp suất cao để tạo thành những viên hình trụ nhỏ và cứng – đây chính là viên nén gỗ.
Viên nén gỗ được làm từ dăm gỗ, mùn cưa, vỏ bào… (Ảnh từ Internet)
Viên nén gỗ có những đặc điểm kĩ thuật như sau:
- Đường kính: 6 – 8 mm
- Chiều cao: 10 – 40 mm
- Độ ẩm: thường ở mức 6 – 8%, tối đa là 10%
- Độ tro: loại cao cấp ở mức dưới 1%, tối đa là 3%
- Độ nén: 620 – 700 kg/m3
- Nhiệt lượng: 4.300 – 4.800 Kcal/kg
Ngoài ra, tuỳ vào thị trường sử dụng mà sẽ có thêm những quy định liên quan đến lượng lưu huỳnh toả ra khi đốt, lượng nitơ, lượng clo… của viên nén gỗ.
Những ưu điểm của viên nén gỗ
Viên nén gỗ là một trong những loại nhiên liệu sinh học được ưa chuộng sử dụng nhất hiện nay nhờ vào nhiều ưu điểm nổi bật như:
- Tiết kiệm chi phí: Do được làm từ các loại phụ phẩm, phế phẩm của quá trình chế biến gỗ nên chi phí nguyên liệu đầu vào để sản xuất viên nén gỗ không cao, từ đó giúp giảm giá thành cho sản phẩm. So với các loại nhiên liệu hoá thạch hay điện thì chi phí sử dụng viên nén gỗ chỉ bằng khoảng 30 – 50%.
- Hiệu quả năng lượng cao: Do có độ ẩm thấp hơn nhiều so với củi nên viên nén gỗ khi cháy tạo ra nhiệt độ cao hơn, tăng hiệu suất cháy, cháy sạch và tạo ít tro hơn.
- Dễ vận chuyển, lưu trữ: Với độ ẩm thấp, kích thước nhỏ, được đóng thành các bao tiện lợi, viên nén gỗ có thể dễ dàng vận chuyển và lưu trữ, giúp tiết kiệm không gian lưu trữ hiệu quả hơn.
- Tăng cường tuổi thọ cho thiết bị: Viên nén gỗ được sản xuất công nghiệp theo quy trình đạt chuẩn cẩn thận, hầu như không còn lẫn bụi và vỏ cây, khi đốt ra ít khói hơn sẽ giúp tăng tuổi thọ cho các thiết bị sử dụng viên nén gỗ, đồng thời tránh những tác động xấu lên sức khoẻ con người.
- Thân thiện với môi trường: Việc sản xuất viên nén gỗ giúp tận dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm, phế phẩm của quá trình chế biến gỗ, đồng thời viên nén gỗ lại có hiệu quả cháy cao và tạo ít khói, ít tro hơn nên rất thân thiện với môi trường, góp phần giảm lượng khí thải CO2. Đặc biệt, việc sử dụng viên nén gỗ cũng giúp hạn chế được việc phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hoá thạch.
Viên nén gỗ là nhiên liệu thân thiện với môi trường. (Ảnh từ Internet)
Viên nén gỗ dùng để làm gì?
Với nhiều ưu điểm, hiện nay viên nén gỗ được sử dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất.
Viên nén gỗ chủ yếu được sử dụng làm chất đốt, cung cấp nhiệt cho:
- Hệ thống lò hơi, nồi hơi
- Hệ thống sưởi ẩm
- Hệ thống nồi nấu rượu
- Hệ thống nấu ăn của bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, khách sạn…
- Hệ thống bể bơi nước nóng, hệ thống xông hơi của khách sạn, spa, khu vui chơi, trường học, khu phục hồi chức năng…
- Hệ thống giặt ủi, hệ thống sấy của nhà máy may, nhà máy dệt…
- Hệ thống hấp, sấy, thanh trùng, tiệt trùng… của nhà máy chế biến đồ uống, thực phẩm
Viên nén gỗ chủ yếu được dùng làm chất đốt. (Ảnh từ Internet)
Ngoài ra, với khả năng hút ẩm tốt, viên nén gỗ cũng được sử dụng để lót chuồng trại cho các loại gia súc, gia cầm, sau đó được tái sử dụng làm phân bón.
Quy trình làm viên nén gỗ
Việc sản xuất viên nén gỗ là một quy trình chặt chẽ gồm nhiều công đoạn khác nhau như sau:
- Chuẩn bị nguyên liệu: Các loại dăm gỗ, mùn cưa, vỏ bào… được thu mua từ các nhà máy cưa, các xưởng gỗ, các nhà máy chế biến gỗ… rồi được đem đi phân loại và làm sạch để loại bỏ các tạp chất như đá, kim loại, những vật liệu không phải gỗ…
- Xứ lí nguyên liệu: Nguyên liệu thô được nghiền nhỏ để tạo ra các hạt có kích thước đồng đều nhau và được sấy khô bằng máy sấy trống/máy sấy tầng để giảm độ ẩm, giúp việc nén ép được dễ dàng hơn cũng như đảm bảo được hiệu suất nén và chất lượng của sản phẩm.
- Ép nén: Nguyên liệu được đưa vào máy ép khuôn vòng/khuôn phẳng để ép thành viên. Dưới áp suất và nhiệt độ cao, các hạt gỗ sẽ tự kết dính với nhau mà không cần dùng thêm chất kết dính.
Viên nén gỗ được sản xuất bằng hệ thống máy móc. (Ảnh từ Internet)
- Làm mát và xử lí bề mặt: Các viên nén gỗ khi mới ra lò sẽ có nhiệt độ cao nên cần được làm mát để ổn định cấu trúc và giữ độ bền cho sản phẩm. Bên cạnh đó, người ta cũng sẽ tiến hành làm bóng để loại bỏ phần cạnh sắc nhọn cũng như giúp bề mặt viên nén mịn hơn, giúp việc vận chuyển và sử dụng dễ dàng hơn.
- Sàng lọc và phân loại: Hạt nhỏ rời, viên nén bị vỡ sẽ được sàng lọc và được tái sử dụng cho những lần sản xuất tiếp theo. Sau đó, người ta sẽ phân loại các viên nén gỗ theo kích thước, chất lượng để đảm bảo sự đồng nhất cho thành phẩm. Việc kiểm tra chất lượng sẽ bao gồm đo các thông số về độ ẩm, năng lượng, hàm lượng tro…
- Đóng gói và lưu trữ: Các viên nén gỗ được đóng trong bao bì chống ẩm dạng bao, túi, thùng, sau đó được bảo quản trong kho bãi khô ráo để tránh ẩm mốc và đảm bảo chất lượng.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về viên nén gỗ cũng như những ứng dụng thực tế của sản phẩm này.