Thổ cẩm Hà Ri là một nét đặc sắc, một niềm tự hào trong văn hoá của người Ba Na Kriêm. Ở bài viết này, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về nghề dệt thổ cẩm Hà Ri.
Làng nghề dệt thổ cẩm Hà Ri ở đâu?
Làng dệt thổ cẩm Hà Ri nằm ở thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, cách Quy Nhơn khoảng 80 km. Nghề dệt thổ cẩm có mặt ở Hà Ri đã từ rất lâu và vào tháng 3/2025 đã được chính thức công nhận là làng nghề.
Sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Hà Ri
Các sản phẩm dệt thổ cẩm Hà Ri gồm các loại vải may váy áo, chăn… dùng trong gia đình, các loại áo nam, khố nam, áo nữ, chân váy nữ… dùng trong các buổi biểu diễn văn hoá/văn nghệ truyền thống (các buổi múa hát, các lễ hội…), các sản phẩm thời trang, đồ trang trí nội thất như ví, túi xách, khăn quàng cổ, khăn trải bàn…
Trang phục thổ cẩm Hà Ri trong buổi diễn văn nghệ. (Ảnh từ Internet)
Thổ cẩm Hà Ri có gì nổi bật?
Người Ba Na Kriêm ở Hà Ri thường tự làm sợi từ cây bông, cây gai, gần đây có sử dụng thêm sợi len mua sẵn để làm nguyên liệu dệt vải thổ cẩm:
- Với sợi bông: Người dân tự trồng bông vào tháng 3, tháng 4 rồi đến tháng 8, tháng 9 thì thu hoạch. Quả bông được đem đi phơi khô, sau đó được kéo ra và quay thành sợi.
- Với sợi gai: Cây gai được cạo sạch lớp vỏ bên ngoài bằng dao rồi được đập dẹp và đem đi phơi khô. Sau đó, cây gai được đem đi tách sợi, cứ 2 – 3 sợi sẽ được xoắn làm một rồi được ngâm trong nước vo gạo để sợi kết lại.
- Với sợi len: Sợi len được tách làm đôi, nhúng vào nước vo gạo và sáp ong rồi được đun sôi. Sau đó, sợi len được đem đi phơi khô, đảm bảo sợi không bị xù lông thì mới sử dụng để dệt vải.
Người dân ở Hà Ri phải kì công trồng bông, xe sợi để làm nguyên liệu dệt thổ cẩm bằng sợi bông. (Ảnh từ Internet)
Thuốc nhuộm vải thổ cẩm Hà Ri được làm từ các loại củ, vỏ cây rừng. Củ, vỏ cây rừng được người dân lấy về rồi đem nấu và vắt lấy nước. Phần sợi sẽ được ngâm vào thuốc nhuộm 1 đêm, sau đó được vớt ra rồi phơi thật khô. Khi sợi đã khô, người Hà Ri sẽ đưa sợi lên sa quay để tạo thành từng cuộn sợi theo từng màu sắc riêng.
Khung dệt của người Ba Na Kriêm ở Hà Ri bao gồm khung gỗ; 1 con thoi hình lưỡi dao; 1 thanh gỗ để đạp, giữ cho tấm vải luôn căng và các que gỗ để tạo hoa văn khi dệt.
Khung dệt thổ cẩm của người dân ở Hà Ri. (Ảnh từ Internet)
Thổ cẩm Hà Ri sử dụng màu đen làm màu chủ đạo và kết hợp cùng các màu sắc tươi sáng như màu đỏ, màu trắng, màu vàng, màu xanh non…, tạo ra một sự tương phản mạnh mẽ về màu sắc, gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Các hoa văn, hoạ tiết trên vải thổ cẩm Hà Ri có dạng đường thẳng, đường cong, hình tam giác, vừa có nét cổ xưa, vừa có nét hiện đại, vừa có nét lãng mạn, vừa có sự hoang sơ của đại ngàn.
Có thể nói, thổ cẩm Hà Ri được tạo nên từ trí tưởng tượng và sáng tạo phong phú, chứa đựng bản sắc và những giá trị riêng về thế giới quan, nhân sinh quan, tập quán, văn hoá của người Ba Na Kriêm.
Thổ cẩm Hà Ri được dệt hoàn toàn thủ công. (Ảnh từ Internet)
Thổ cẩm Hà Ri được dệt thủ công nên mất rất nhiều thời gian và công sức. Để dệt được một chiếc chăn, một tấm vải đủ để may một bộ quần áo, sẽ cần tới 1 tháng nếu chỉ dệt lúc rảnh tay, còn nếu dệt liên tục thì cũng phải mất tới 4 – 5 ngày.
Thực tế phát triển của nghề dệt thổ cẩm Hà Ri
Hiện nay, thôn Hà Ri có 36 hộ theo nghề dệt thổ cẩm truyền thống, người lớn tuổi luôn sẵn sàng truyền nghề cho lớp trẻ bằng cách cầm tay chỉ việc.
Các sản phẩm thổ cẩm Hà Ri không chỉ phục vụ trong cuộc sống hằng ngày, trong các hoạt động sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của người dân địa phương mà còn trở thành sản phẩm lưu niệm, sản phẩm thời trang…
Thổ cẩm Hà Ri được giới thiệu cho khách tham quan. (Ảnh từ Internet)
Việc được công nhận là làng nghề sẽ giúp nghề dệt thổ cẩm ở thôn Hà Ri có thêm nhiều cơ hội được quảng bá, mở rộng các kênh tiêu thụ và gắn với phát triển du lịch, giúp tăng thu nhập cho người dân và tạo động lực gìn giữ, phát triển nghề truyền thống.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về thổ cẩm Hà Ri – bản giao hưởng sắc màu giữa đại ngàn hùng vĩ.