Giấy washi là loại giấy truyền thống gắn liền với nhiều nét văn hoá, nghệ thuật đặc sắc của đất nước Nhật Bản. Trong bài viết này, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu giấy washi là gì cũng như những đặc điểm, ứng dụng của loại giấy này.
Giấy washi là gì?
Giấy washi là loại giấy truyền thống của người Nhật, được làm thủ công từ những sợi gỗ kéo dài qua nhiều công đoạn tỉ mỉ.
Theo những tài liệu ghi chép lại, vào những năm 610, cách thức làm giấy của người Trung Quốc được du nhập vào Nhật Bản. Theo thời gian, người Nhật đã dần cải tiến phương pháp làm giấy, cho ra đời giấy washi với nhiều kết cấu, kiểu dáng và màu sắc để đáp ứng những nhu cầu sử dụng khác nhau.
Giấy washi có lịch sử đã hơn 1.000 năm. (Ảnh từ Internet)
Giấy washi được làm từ chất liệu gì?
Người Nhật thường sử dụng vỏ của 3 loại cây dưới đây để làm giấy washi:
- Kozo: Vỏ cây kozo cho sợi dài và dẻo dai, giấy washi làm ra có độ bền cao, khó bị rách và rất bền màu. Đây là loại giấy washi tượng trưng cho sự mạnh mẽ.
- Mitsumata: Vỏ cây mitsumata cho sợi ngắn và mịn, giấy washi làm ra mềm mại, có độ sáng tự nhiên và rất đều màu. Đây là loại giấy washi tượng trưng cho sự tinh tế, thanh nhã, nữ tính.
- Gampi: Vỏ cây gampi cho sợi óng ánh, tinh xảo, giấy washi làm ra có bề mặt láng, bóng, có khả năng chống thấm, chống lem mực tốt. Đây là loại giấy washi cao cấp, thường được sử dụng cho những loại tài liệu quan trọng, tranh nghệ thuật, thư pháp.
Vỏ cây kozo được người Nhật dùng để làm giấy washi. (Ảnh từ Internet)
Các công đoạn làm ra giấy washi của người Nhật
- Bước 1: Sau khi thu hoạch, phần cành cây được cắt bỏ gọn ghẽ vì để làm giấy washi thì chỉ sử dụng thân cây.
- Bước 2: Cho thân cây vào nồi hấp cho đến khi vỏ cây mềm, thường sẽ cần khoảng 2 tiếng.
- Bước 3: Tước phần vỏ cây thật cẩn thận, sau đó đem phơi khô.
- Bước 4: Sau khi phần vỏ cây đã khô, đem đi luộc lên một lần nữa để phần vỏ này mềm hơn, rồi rửa lại bằng nước cho sạch, hết tạp chất.
- Bước 5: Bào bỏ phần vỏ đen, nếu muốn làm giấy có màu ấm thì bào đến khi thấy phần vỏ cây hơi ngả vàng, nếu muốn làm giấy trắng tinh thì bào cho đến khi thấy phần vỏ cây màu trắng.
- Bước 6: Đem phần vỏ đã bào sạch đi nấu với vôi, tro gỗ, sau đó rửa sạch để loại bỏ hết các bụi bẩn còn sót lại.
- Bước 7: Đem dần phần vỏ cây để các sợi gỗ tơi ra.
- Bước 8: Trộn vỏ cây đã dần tơi với nước và chất kết dính (thường lấy từ rễ cây tororoaoi) để các sợi gỗ kết dính với nhau.
- Bước 9: Chao đều khuôn trong khay để xeo giấy, tạo thành giấy ướt và xếp phần giấy ướt này thành chồng.
- Bước 10: Ép nước ra khỏi giấy, sau đó tách từng tấm giấy ra và đem đi phơi khô.
- Bước 11: Kiểm tra xem giấy đã đạt độ dày theo yêu cầu chưa, có bị rách hay bẩn không.
Việc làm giấy washi cần trải qua rất nhiều công đoạn. (Ảnh từ Internet)
Đặc điểm của giấy washi Nhật Bản
Giấy washi Nhật Bản rất nhẹ và dai, khó rách, khi sờ vào thì sẽ thấy mềm mại, ấm áp hơn hẳn những loại giấy làm từ bột giấy thông thường. Bên cạnh đó, giấy washi còn có khả năng chịu ẩm tốt, có khả năng hấp thụ mực tốt, những nét mực khi viết, vẽ, in lên giấy sẽ hiện lên vô cùng rõ nét, sống động, không bị lem. Đặc biệt, giấy washi còn có thể chịu được sự uốn gấp tốt, rất linh hoạt và dễ tạo hình.
Giấy washi nổi tiếng dai, bền, nhẹ. (Ảnh từ Internet)
Giấy washi dùng để làm gì?
Với những ưu điểm nổi bật, giấy washi Nhật Bản có rất nhiều ứng dụng khác nhau, tiêu biểu như:
- Dùng trong in ấn, viết thư pháp, vẽ tranh…
- Dùng trong nghệ thuật cắt dán ảnh, gấp giấy origami, làm diều, làm búp bê, làm ô giấy wagasa…
Giấy washi được sử dụng trong nghệ thuật gấp giấy origami. (Ảnh từ Internet)
- Dùng làm bìa lót cho sách, bìa lót cho hộp đựng sách, bìa lót cho khung ảnh, làm giấy bọc đồ nữ trang, sổ tay, thiệp, đồ trang trí, bao bì…
- Dùng làm chụp đèn, cửa chớp, rèm, giấy dán tường, cửa trượt shoji, đồ nội thất…
Giấy washi được dùng làm cửa trượt shoji. (Ảnh từ Internet)
Các loại giấy washi nổi tiếng của Nhật Bản
Dưới đây là một số loại giấy washi nổi tiếng của người Nhật:
- Echizenwashi: Đây là loại giấy washi được làm ra ở quận Goka, tỉnh Fukui, có lịch sử lâu đời nhất trong các loại giấy washi của Nhật Bản.
- Honminoshi: Đây là loại giấy washi được làm ra ở thành phố Mino, tỉnh Gifu, nổi tiếng với màu trắng tinh không tì vết và vô cùng mềm mại, thường được dùng để làm cửa shoji.
- Najiowashi: Đây là loại giấy washi được làm ra ở vùng Najio, tỉnh Hyogo, sử dụng nguyên liệu là cây gampi và bùn từ nham thạch núi lửa. Giấy najiowashi mềm mại mà bền chắc, khó bám bẩn, khó nhàu, chống côn trùng tốt, thường được dán ở phía sau những tấm bình phong dát vàng và được dùng trong việc phục hồi các di tích, các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng.
- Hosokawashi: Đây là một trong 3 loại giấy washi được công nhận là di sản thế giới, được làm ra ở làng Higashi-chichibu thuộc phường Ogawamachi, tỉnh Saitama. Giấy hosokawashi nổi tiếng dai bền, có màu hổ phách dịu dàng, mộc mạc, thường được dùng làm giấy dán tường, cửa shoji, giấy gói kimono, giấy ghi chép…
- Sekishubanshi: Đây cũng là loại giấy washi đã được công nhận là di sản thế giới, được làm ra ở miền Tây tỉnh Shimane. Giấy sekishubanshi bền và dai tới mức có thể gấp, uốn 3.000 lần mà không rách, thường được dùng làm cửa shoji, giấy viết thư pháp, vẽ tranh…
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về giấy washi – một loại giấy đặc trưng, nổi tiếng, lâu đời của Nhật Bản.