Làng gốm Phù Lãng là một trong những làng nghề gốm sứ nổi tiếng của Việt Nam. Trong bài viết này, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về lịch sử và những nét đặc sắc của làng nghề gốm Phù Lãng.
Làng gốm Phù Lãng ở đâu?
Làng gốm Phù Lãng nằm ở xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Làng nằm bên bờ sông Cầu, cách sông Lục Đầu khoảng 4 km, cách Hà Nội khoảng 60 km.
Lịch sử của làng gốm Phù Lãng
Làng gốm Phù Lãng có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, tính đến nay đã hơn 700 năm. Tương truyền, vào cuối thời Lý, ông Lưu Phong Tú khi được cử đi sứ sang Trung Quốc đã học được nghề làm gốm, sau đó về truyền dạy lại cho người dân trong nước. Ban đầu, nghề được truyền cho người dân sống ở hai bờ sông Lục Đầu, sau đó được chuyển về vùng Vạn Kiếp, đến thời Trần thì được truyền đến thôn Phù Lãng Trung. Vào thế kỉ 14, làng gốm Phù Lãng được hình thành.
Hiện nay, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và trong các bộ sưu tập của những nhà sưu tầm vẫn còn lưu giữ những sản phẩm gốm Phù Lãng có niên đại thuộc thế kỉ 17 – 19.
Nét bình yên ở làng gốm Phù Lãng. (Ảnh từ Internet)
Các sản phẩm của làng gốm Phù Lãng
Gốm Phù Lãng gồm 3 dòng sản phẩm chính:
- Gốm dùng trong các hoạt động tín ngưỡng: gồm các loại: lư hương, đỉnh, đài thờ…
- Gốm gia dụng dùng trong sinh hoạt hằng ngày: gồm các loại: lọ, bình, ống điếu, bình vôi, chum, vại, ang…
- Gốm trang trí: gồm các loại: bình, ấm hình các con vật như con ngựa, con voi…
Các mẫu chum, vại truyền thống ở làng gốm Phù Lãng. (Ảnh từ Internet)
Đặc biệt, hiện nay làng nghề Phù Lãng rất đẩy mạnh phát triển các sản phẩm tranh, lọ hoa, ấm chén, đồ trang trí, gạch ốp tường… làm bằng gốm.
Một mẫu tranh gốm trang trí của làng Phù Lãng. (Ảnh từ Internet)
Gốm làng nghề Phù Lãng có gì đặc biệt?
Để làm ra một sản phẩm gốm Phù Lãng hoàn chỉnh, sẽ cần trải qua các công đoạn chọn và xử lí đất sét, tạo hình, tráng men và nung.
Đất sét được dùng để làm gốm Phù Lãng là loại đất màu đỏ hồng, có độ dẻo từ vùng Thống Vát, Cung Kiệm thuộc tỉnh Bắc Giang. Đất mua về sẽ trải qua các công đoạn phơi, đạp thành viên nhỏ, cho đất ngậm nước, xéo tròn, nề đất… để đất thật nhuyễn, đảm bảo độ mịn và độ dẻo cần thiết, sau đó mới được đem đi tạo hình.
Đất sét làm gốm Phù Lãng là loại đất đỏ hồng. (Ảnh từ Internet)
Ở Phù Lãng, người ta có hai cách để tạo hình gốm, một là tạo hình trên bàn xoay tay và hai là tạo hình bằng khuôn gỗ/đất nung rồi mới ghép lại. Hoạ tiết trên gốm Phù Lãng thường là những hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt Nam như cây đa, hoa sen hay các hoạ tiết như cá chép, nghê, mặt hổ phù, tứ linh, sóng nước, chữ Thọ…, các hoạ tiết đa phần được đắp nổi theo lối chạm bay. Tạo hình sản phẩm gốm Phù Lãng có nét đặc trưng là đậm chất điêu khắc, dáng thô mộc nhưng khoẻ khoắn.
Người thợ tỉ mỉ tạo hoa văn trên sản phẩm. (Ảnh từ Internet)
Sau khi tạo hình xong, gốm sẽ được mang đi tráng men. Nguyên liệu để làm men gốm Phù Lãng gồm có tro cây rừng (chọn loại cây mà tro sau khi đốt có tàn trắng như vôi/tàn thuốc), vôi sống, sỏi nghiền nát và bùn phù sa trắng. Các nguyên liệu sau khi sơ chế sẽ được trộn theo tỉ lệ, sau đó được để khô. Men khô sau đó được đập nhỏ rồi cho vào nước, rồi được lọc qua rây, cuối cùng sẽ thu được chất men lỏng, quánh, có màu vàng như mật ong. Khi sản phẩm gốm còn ẩm, người thợ sẽ dùng chổi lông quét một lớp men mỏng lên mặt ngoài của sản phẩm, sau đó lại đem đi phơi.
Người thợ tráng men cho gốm. (Ảnh từ Internet)
Sản phẩm tráng men sau khi phơi khô sẽ được đem đi nung ở nhiệt độ lên đến 1.000 độ C, thời gian nung tuỳ thuộc vào từng loại sản phẩm, nhưng thường sẽ là 2 ngày 2 đêm, sau khi mở cửa lò thì để thêm 1 ngày 1 đêm nữa rồi mới cho sản phẩm ra lò. Trong quá trình nung, người thợ phải đảm bảo nhiệt độ trong lò chính xác, nếu không sản phẩm sẽ không đạt tiêu chuẩn. Một điểm đặc biệt ở gốm Phù Lãng đó là gốm sẽ được nung bằng củi, vì thế trên bề mặt sản phẩm sẽ có những vết táp đặc trưng do sự biến nhiệt khác nhau tạo thành.
Gốm Phù Lãng được nung bằng củi. (Ảnh từ Internet)
Gốm Phù Lãng sau khi nung có mặt ngoài đanh chắc, nhẵn bóng. Sản phẩm đạt chuẩn thì khi gõ vào sẽ có tiếng vang, xương gốm sẽ chuyển sang màu gan gà, men gốm chuyển sang màu da lươn với các sắc độ khác nhau từ nâu đen, nâu cho tới vàng nâu, vàng thẫm, vàng nhạt…, mang đậm vẻ đẹp nguyên sơ của đất, của lửa.
Sản phẩm gốm Phù Lãng sau khi ra lò. (Ảnh từ Internet)
Thực tế phát triển hiện nay của làng nghề Phù Lãng
Hiện nay, làng nghề Phù Lãng có khoảng 200 lò nung gốm với số lao động tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất gốm là khoảng 1.000 người. Mỗi năm, làng cho ra lò khoảng 1.000.000 sản phẩm, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu ra cả nước ngoài.
Bên cạnh hoạt động sản xuất, gìn giữ và truyền nghề cho thế hệ trẻ, làng gốm Phù Lãng còn thúc đẩy hoạt động du lịch để tăng cường quảng bá hình ảnh làng nghề và các sản phẩm với du khách gần xa. Khách du lịch đến với làng nghề Phù Lãng không chỉ được tham quan, tìm hiểu về lịch sử làng nghề và các khâu làm gốm mà còn có cơ hội trực tiếp trải nghiệm việc làm đồ gốm, được tự tay làm ra những sản phẩm bằng gốm để làm quà lưu niệm cho chuyến đi.
Du khách được trải nghiệm làm gốm ở Phù Lãng. (Ảnh từ Internet)
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn thêm hiểu về làng gốm Phù Lãng – nơi tạo ra những sản phẩm gốm mang đậm vẻ đẹp của hồn quê Việt.