Đó là một dụng cụ đánh bắt cá tôm truyền thống của người Việt từ bao đời nay. Trong bài viết dưới đây, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu về làng nghề đan đó Thủ Sỹ – nơi đã cho ra đời hàng nghìn chiếc đó.
Làng nghề đan đó Thủ Sỹ ở đâu?
Làng nghề đan đó Thủ Sỹ nằm ở xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội khoảng 60km. Ở Thủ Sỹ hiện nay, hai thôn Nội Lăng và Tất Viên là nơi tập trung nhiều người theo nghề nhất.
Lịch sử của làng đan đó Thủ Sỹ
Có không ít người đặt ra câu hỏi rằng làng nghề đan đó Thủ Sỹ, Hưng Yên có tuổi đời bao nhiêu năm thì câu trả lời là đến nay, nghề đan đó ở Thủ Sỹ đã có truyền thống hơn 200 năm.
Theo người dân trong làng, Thành hoàng làng là bà Nguyễn Thị Huệ chính là người đã có công mang nghề đan đó đến đây và truyền cho dân làng. Hằng năm, người dân vẫn tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của Thành hoàng làng và tổ chức thi đan đó giữa các thôn.
Nghề đan đó ở Thủ Sỹ đã tồn tại hơn 2 thế kỉ. (Ảnh từ Internet)
Các sản phẩm của làng nghề đan đó Thủ Sỹ
Làng nghề Thủ Sỹ chuyên sản xuất ra các loại đó, đơm, lờ, dậm… Trước đây, các sản phẩm của làng chủ yếu phục vụ việc đánh bắt cá, cua, tôm, tép… Ngày nay, những sản phẩm này còn trở thành những món đồ trang trí nội thất tại các nhà hàng, quán cà phê, cửa hiệu, trở thành đạo cụ chụp ảnh, quay phim…
Làng nghề Thủ Sỹ có nhiều loại sản phẩm đó, đơm, lờ, dậm… khác nhau. (Ảnh từ Internet)
Đặc điểm của nghề đan đó Thủ Sỹ
Giống như nhiều nghề thủ công khác, nghề đan đó cũng đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận thì mới cho ra được một sản phẩm đẹp mắt.
Nguyên liệu chính để đan ra những sản phẩm ở làng đan đó Thủ Sỹ là tre, nứa. Những người thợ nơi đây sử dụng tre, nứa già được chở từ rừng về, có thế mới đảm bảo độ bền, đẹp cho sản phẩm.
Sau khi có nguyên liệu, người thợ sẽ dùng dao để chẻ từng thanh tre, thanh nứa thành nan đan. Nan đan có nhiều loại, mỗi loại lại có những kích thước khác nhau, tuy nhiên nan nào cũng phải được vót thật đều và mỏng. Việc chẻ nan khá tốn sức nên thường được nam giới đảm nhiệm.
Việc chẻ nan thường do đàn ông đảm nhiệm. (Ảnh từ Internet)
Nan sau khi chẻ được phân loại kĩ càng theo kích cỡ tiêu chuẩn của từng loại sản phẩm, sau đó tuỳ thuộc vào từng loại nan mà người thợ sẽ tiến hành thêm các công đoạn phơi khô, hun khói để giúp nan tăng độ bền và lên màu cánh gián đẹp mắt.
Nan tre, nứa được phơi khô, hun khói để bền và lên màu đẹp. (Ảnh từ Internet)
Chuẩn bị xong phần nan đan, người thợ đan đó Thủ Sỹ sẽ tiến hành đan sản phẩm. Mỗi loại sản phẩm lại có một cách đan khác nhau, nhưng đều phải đảm bảo đan đều, chắc tay. Ví dụ, khi đan đó, người thợ phải đảm bảo chiếc đó thành phẩm có hình bầu dục, hai đầu chắc chắn, đuôi nhọn, miệng tròn nhỏ, sản phẩm cân đối, được đan đều nhau cả trong lẫn ngoài và đảm bảo cá tôm không bị lọt ra ngoài. Theo kinh nghiệm của những người thợ lâu năm, đan đó dễ nhất là đan hom miệng đó, khó nhất là đan cạp đó và đan kết thúc đuôi đó.
Người dân Thủ Sỹ thoăn thoắt tay đan. (Ảnh từ Internet)
Sau khi đan xong, sản phẩm được đem đi phơi khô và được đem đi hun để tăng độ bền, sau đó mới được đưa tới tay người tiêu dùng.
Sản phẩm được đem đi hun khói trước khi đưa ra thị trường. (Ảnh từ Internet)
Thực tế phát triển của làng nghề đan đó Thủ Sỹ
Mỗi năm, làng đan đó Thủ Sỹ cung cấp khoảng hơn 600.000 sản phẩm để phục vụ nhu cầu đánh bắt cá tôm cho người dân ở các vùng chiêm trũng, vùng nhiều sông hồ, kênh mương… như Hà Nam, Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh… và phục vụ nhu cầu trang trí cho các quán cà phê, nhà hàng, cửa hiệu, studio quay phim, chụp hình… Không chỉ được ưa chuộng trong nước, các sản phẩm của làng nghề Thủ Sỹ còn được xuất khẩu tới nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Mỹ…
Những sản phẩm của làng đan đó Thủ Sỹ giờ đây còn trở thành đồ trang trí nội thất độc đáo, mang đậm hồn dân tộc. (Ảnh từ Internet)
Hiện nay, ở Thủ Sỹ còn khoảng 500 người theo nghề đan đó. Tuy không còn là nghề chính nhưng công việc đan đó vẫn góp phần đem lại một nguồn thu nhập tương đối ổn định cho người dân nơi đây, nhất là vào lúc nông nhàn. Những người dân trong làng khi rảnh vẫn ngồi đan và lớp trẻ ở Thủ Sỹ vẫn được học, được thực hành nghề để gìn giữ, lưu truyền nghề truyền thống của địa phương.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về làng nghề đan đó Thủ Sỹ, Hưng Yên – nơi vẫn có những người dân bền bỉ gìn giữ nghề truyền thống, gìn giữ nét đẹp đậm hồn dân tộc Việt.