Vải đũi có đặc tính là nhẹ, xốp và mát, rất được ưa chuộng trong ngành thời trang. Tại Việt Nam, có một làng nghề nổi tiếng với nghề dệt đũi, đó chính là làng nghề dệt đũi Nam Cao.

Làng nghề dệt đũi Nam Cao ở đâu?

Làng nghề dệt đũi Nam Cao nằm ở xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, cách Hà Nội khoảng hơn 100 km.

Lịch sử của làng nghề dệt đũi Nam Cao

Nghề dệt đũi Nam Cao ra đời từ khoảng năm 1584. Tương truyền, khi đó có 2 bà là bà Từ Tiên và bà Từ An đã về quê cũ ở làng Vân Xa, Bất Bạt (Hà Tây cũ) để học nghề trồng dâu nuôi tằm, kéo đũi, dệt cửi, sau đó về dạy lại cho con cháu.

Nghề dệt đũi ở Nam Cao có tuổi đời đã cả vài trăm năm. (Ảnh từ Internet)

Nghề dệt đũi ở Nam Cao có tuổi đời đã cả vài trăm năm. (Ảnh từ Internet)

Khi đất nước bước vào thời kì đổi mới, trước những thách thức của nền kinh tế thị trường, nghề dệt đũi ở Nam Cao có nguy cơ mai một. Đến năm 1992, nghề dệt đũi ở đây được khôi phục, vào thời kì đỉnh cao cả xã có tới hơn 2.000 hộ làm nghề, khoảng 5.000 khung dệt hoạt động hết công suất ngày đêm.

Nét đặc biệt của nghề dệt đũi Nam Cao

Để làm ra một tấm vải đũi hoàn chỉnh, cần tới hơn 15 công đoạn và khoảng 60 ngày từ khi nuôi tằm cho tới khi dệt vải, nhuộm màu vải. Trong đó, các bước chính sẽ là xử lí sợi tơ, xe chỉ và dệt vải, nhuộm màu.

Xử lý sợi tơ: Ở bước này, kén tằm được đun sôi để lấy sợi đũi. Công đoạn này tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất vất vả vì người thợ sẽ phải ngâm tay liên tục trong nước bất kể thời tiết, cả ngày chỉ thu được khoảng 70 – 100 g đũi.

Việc xử lí sợi tơ rất vất vả. (Ảnh từ Internert)

Việc xử lí sợi tơ rất vất vả. (Ảnh từ Internert)

Xe chỉ: Sợi đũi sẽ được kéo thành chỉ, sau đó được se thành các cuộn, sẵn sàng cho công đoạn dệt vải.

Sợi đũi được cuộn thành từng cuộn. (Ảnh từ Internet)

Sợi đũi được cuộn thành từng cuộn. (Ảnh từ Internet)

Dệt vải: Người thợ sử dụng khung cửi truyền thống để dệt nên những tấm vải đũi có bề mặt mộc mạc mà chắc chắn.

Sợi đũi được dệt thành vải trên khung cửi. (Ảnh từ Internet)

Sợi đũi được dệt thành vải trên khung cửi. (Ảnh từ Internet)

Nhuộm màu: Sau khi dệt xong, tấm vải đũi được đem đi nhuộm màu. Trước đây, đũi Nam Cao thường chỉ có màu nâu đất, màu trắng ngà, nay đã có thêm nhiều màu mới nhưng vẫn được nhuộm từ những nguyên liệu tự nhiên như màu đỏ nhuộm từ gấc, màu tím nhuộm từ nếp cẩm, màu xanh nhuộm từ lá cây, màu vàng nhuộm từ kén tằm, màu nâu nhuộm từ lá bàng…

Hình ảnh tấm vải đũi Nam Cao. (Ảnh từ Internet)

Hình ảnh tấm vải đũi Nam Cao. (Ảnh từ Internet)

Tấm đũi Nam Cao có bề mặt tự nhiên, hơi sần sùi, đem lại cảm giác mộc mạc, gần gũi, độc đáo. Bên cạnh đó, sợi đũi có đặc điểm là xốp nên tấm vải đũi rất thoáng khí, thấm hút mồ hôi tốt, hạn chế được mùi cơ thể, rất phù hợp với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam. Ngoài ra, vải đũi còn có ưu điểm là mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm. Đặc biệt, vải đũi Nam Cao được sản xuất hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên, khi bảo quản đúng cách thì sẽ rất bền nên vừa thân thiện với làn da, vừa thân thiện với môi trường.

Vải đũi Nam Cao được sử dụng để làm các sản phẩm thời trang. (Ảnh từ Internert)

Vải đũi Nam Cao được sử dụng để làm các sản phẩm thời trang. (Ảnh từ Internert)

Hiện nay, vải đũi Nam Cao thường được sử dụng để may quần, áo sơ mi, áo dài, làm khăn, làm túi xách… Bên cạnh đó, với đặc tính thân thiện với môi trường, sản phẩm đũi Nam Cao đặc biệt được ưa chuộng sử dụng trong ngành thời trang bền vững.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về làng nghề dệt đũi Nam Cao nổi tiếng với tuổi đời đã hơn 400 năm.