Bên cạnh những cái tên như Bát Tràng, Phù Lãng… thì khi nhắc đến những làng nghề gốm sứ nổi tiếng ở Việt Nam, không thể nào không nhắc tới làng gốm Thanh Hà. Trong bài viết dưới đây, JAVICO sẽ giới thiệu tới bạn lịch sử và những nét độc đáo của làng nghề này.
Làng gốm Thanh Hà ở đâu?
Làng nghề làm gốm Thanh Hà nằm bên bờ sông Thu Bồn, thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách khu phố cổ khoảng 3 km về phía Tây.
Lịch sử của làng nghề làm gốm Thanh Hà
Nghề gốm Thanh Hà xuất hiện từ khoảng thế kỉ 16 – 17, phát triển rực rỡ vào thế kỉ 18. Trước đây, các sản phẩm gốm của làng nghề Thanh Hà từng được mệnh danh là “thổ sản quốc gia” và được sử dụng để tiến vua.
Làng gốm Thanh Hà có lịch sử lâu đời. (Ảnh từ Internet)
Dân gian thường lưu truyền 2 câu chuyện khác nhau về vị tổ nghề của làng gốm Thanh Hà, một câu chuyện kể rằng ông Nguyễn Huấn là ông tổ nghề, một câu chuyện kể rằng hai bà Phước, Tích là bà tổ nghề. Hiện nay, vào ngày 10/7 âm lịch hằng năm, làng Thanh Hà vẫn tổ chức lễ giổ tổ nghề với nhiều hoạt động như rước kiệu, thi chuốt gốm, kéo co, đua thuyền…
Lễ giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà được tổ chức trang trọng hằng năm. (Ảnh từ Internet)
Làng gốm Thanh Hà có sản phẩm gì?
Các sản phẩm gốm Thanh Hà rất đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, màu sắc. Trước đây, làng Thanh Hà chủ yếu làm các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như nồi, niêu, chum, vại, lọ, bình, gạch, ngói… Hiện nay, làng nghề đã làm cả các sản phẩm trang trí như tượng mĩ nghệ, đèn, phù điêu, con giống… để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Sản phẩm gốm Thanh Hà có đủ loại từ đồ dùng sinh hoạt thường ngày cho tới đồ trang trí. (Ảnh từ Internet)
Gốm Thanh Hà có gì đặc biệt?
Nếu như gốm Bát Tràng được làm từ đất sét trắng, gốm Thổ Hà được làm từ đất sét xanh, gốm Phù Lãng được làm từ đất sét đỏ hồng thì gốm Thanh Hà lại được làm từ đất sét nâu vàng.
Đất sét làm gốm Thanh Hà được lấy từ dọc sông Thu Bồn, có độ dẻo và độ kết dính cao, khi nung xong thường nhẹ hơn các sản phẩm cùng loại đến từ những địa phương khác. Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng gốm Thanh Hà sau khi nung xong vẫn giữ được độ ẩm tốt, bình hoa có thể giữ hoa tươi lâu hơn, nồi có thể giúp kho cá, nấu cơm ngon hơn.
Gốm Thanh Hà làm từ đất sét nâu vàng lấy từ sông Thu Bồn. (Ảnh từ Internet)
Ở làng gốm Thanh Hà, đất sét sau khi lấy về sẽ được đem đi trộn, xéo, nề, ủ cho tới khi đất trở nên nhuyễn mịn như bột bánh, sau đó mới được đưa lên bàn xoay để người thợ thực hiện chuốt gốm, tạo hình cho sản phẩm. Ngoài tạo hình bằng bàn xoay, hiện nay nhiều sản phẩm gốm Thanh Hà còn được tạo hình bằng cách đổ khuôn hoặc điêu khắc, giúp tạo ra sự đa dạng , mới lạ hơn cho các sản phẩm gốm nơi đây.
Người thợ gốm Thanh Hà khéo léo tạo hình sản phẩm trên bàn xoay. (Ảnh từ Internet)
Sau khi tạo hình, sản phẩm sẽ được để cho se lại, tới khi nào tay người sờ vào đất mà không thấy dính thì sản phẩm mới được đem ra phơi ở ngoài nắng hoặc hong ở góc bếp. Khi sản phẩm đã khô, người thợ mới đem đi nung.
Gốm Thanh Hà được phơi khô trước khi đem đi nung. (Ảnh từ Internet)
Khi xếp sản phẩm vào lò nung, người thợ gốm Thanh Hà cũng phải thật khéo léo căn chỉnh để vừa tiết kiệm diện tích, vừa đảm bảo các sản phẩm không chèn ép lên nhau. Tuỳ từng sản phẩm mà thời gian nung sẽ kéo dài 1 – 3 ngày.
Thực tế phát triển của làng gốm Thanh Hà hiện nay
Hiện nay, ở làng nghề Thanh Hà vẫn còn khá nhiều hộ gia đình theo nghề làm gốm, có hộ duy trì lò nung lớn, có hộ lại làm lò nung nhỏ chuyên phục vụ làm đồ lưu niệm. Sản phẩm gốm Thanh Hà được ưa chuộng không chỉ bởi khách hàng trong nước mà còn bởi cả khách hàng nước ngoài, được xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Pháp, Đức, Anh, Mỹ…
Du khách thích thú trải nghiệm tại làng gốm Thanh Hà. (Ảnh từ Internet)
Đặc biệt, hoạt động du lịch ở làng gốm Thanh Hà hiện nay rất phát triển và đây cũng là động lực to lớn để nghề gốm ở đây tiếp tục được gìn giữ, lưu truyền. Khi đến với làng gốm Thanh Hà, du khách sẽ vừa được xem, vừa được giải thích về các công đoạn làm gốm, vừa có cơ hội được tự tay làm ra những sản phẩm gốm cho riêng mình để lưu lại một kỉ niệm đáng nhớ trong chuyến du lịch Hội An.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về làng gốm Thanh Hà – một làng nghề có lịch sử lâu đời của Việt Nam và vẫn đang phát triển mạnh mẽ.