Làng nghề sơn mài Hạ Thái là mảnh đất nổi danh với nghề sơn mài, các sản phẩm của làng nghề không chỉ có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng mà còn hội tụ sự khéo léo, sáng tạo tài hoa của người thợ trong từng đường nét. Trong bài viết này, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về lịch sử và những đặc điểm nổi bật của làng nghề Hạ Thái.
Làng nghề sơn mài Hạ Thái ở đâu?
Làng sơn mài Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 20km về phía Nam.
Lịch sử của làng sơn mài Hạ Thái
Chẳng ai biết chính xác làng nghề Hạ Thái được hình thành tự bao giờ, thế nhưng hai bức hoành phi câu đối sơn son thếp vàng được thờ trong đình làng Hạ Thái thì đã có từ thế kỉ XVII và theo nhiều nhà nghiên cứu, nghề sơn đã có mặt ở Hạ Thái từ khoảng thế kỉ XVI. Tiền thân của làng sơn mài Hạ Thái là phường sơn son thếp vàng Cự Tràng, sau đó đổi tên thành Đông Thái, rồi Hạ Thái và cái tên Hạ Thái đã gắn liền với làng nghề cho tới ngày nay.
Ban đầu, ở đây chỉ có nghề sơn đồ nét (còn được gọi là nghề dâng vua), chuyên sơn son thếp vàng các đồ vật dùng để dâng lên vua, chúa và hoàng tộc.
Phường sơn son thếp vàng Cự Tràng là tiền thân của làng nghề sơn mài Hạ Thái hiện nay. (Ảnh từ Interrnet)
Đến những năm 1930, trong quá trình giao lưu và cải biến văn hóa Đông – Tây, nghề sơn son thếp vàng ở Hạ Thái đã có nhiều chuyển biến lớn. Những người Việt Nam đầu tiên học và làm việc ở trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi và phát hiện ra những vật liệu màu mới như vỏ trứng, vỏ ốc, cật tre… và áp dụng thêm kĩ thuật mài, khai sinh ra nghệ thuật sơn mài độc đáo của Việt Nam.
Cụ Đinh Văn Thành – người con của làng Hạ Thái làm việc ở trường Mỹ thuật Đông Dương đã có những đóng góp, cải tiến quan trọng trong quá trình tìm tòi ra cách làm sơn mài – đã truyền nghề sơn mài cho người dân nơi đây.
Chân dung cụ Đinh Văn Thành – người đã có công truyền nghề sơn mài cho người dân Hạ Thái. (Ảnh từ Internet)
Các sản phẩm sơn mài của làng nghề Hạ Thái
Đặc trưng của các sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái đó là được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, từ quê hương đất nước, sử dụng nguyên liệu đơn giản, mộc mạc, mỗi chi tiết, đường nét đều là kết tinh của sự tài hoa, khéo léo, sáng tạo và tỉ mỉ của người thợ thủ công.
Các sản phẩm sơn mài của làng nghề Hạ Thái hiện nay rất đa dạng, có đủ các loại chén bát, lọ hoa, hộp, khay đĩa, tranh, đồ lưu niệm, đồ thờ cúng… để phục vụ nhu cầu trang trí nội thất, làm quà tặng, phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh… Trên các sản phẩm sơn mài Hạ Thái cũng có rất nhiều mẫu vẽ như cây đa bến nước, con đò lá trúc, hoa sen, hoa mai, hoa đào, thiếu nữ mặc áo dài, phố cổ Hà Nội, chùa Một Cột…
Dưới đây là hình ảnh một số sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái (hình ảnh sưu tầm từ Internet):
Những điểm độc đáo của sản phẩm sơn mài Hạ Thái
Để đảm bảo sự hoàn thiện, độ bóng, độ bền và có tính mĩ thuật cao, một sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái phải trải qua hàng chục công đoạn, phải được phủ ít nhất là 10 nước sơn với sự góp sức của nhiều tay thợ: người chuyên làm vóc, người chuyên tạo hình sản phẩm, người vẽ bố cục, người sơn, người gắn trứng, khảm trai, người chuyên đóng bản lề…
Quá trình làm ra một sản phẩm sơn mài Hạ Thái hoàn chỉnh sẽ gồm các bước chính như sau:
- Chuẩn bị đồ vật cần sơn như cốt gỗ, mô hình chạm, bình hoa, khay đĩa hay các đồ vật khác, tạo màu rồi đợi màu khô.
- Gắn, dán các chất liệu tạo màu như mảnh xà cừ, vỏ trứng, vàng thếp, bạc thếp… lên bề mặt đồ vật, sau đó phủ sơn, mài phẳng và vẽ màu, mài màu. Quy trình vẽ màu, mài màu có thể lặp đi lặp lại nhiều lần cho tới khi đạt được hiệu quả mong muốn.
- Cuối cùng, sản phẩm được mài, trau chuốt lại lần cuối và được đánh bóng để bề mặt được sáng bóng, mịn mượt.
Tùy vào kích thước, độ khó mà thời gian hoàn thành một sản phẩm sơn mài Hạ Thái có thể là vài ngày hay có khi lên tới vài tháng, thậm chí là vài năm.
Người thợ sơn mài Hạ Thái tỉ mỉ, khéo léo đi từng nét vẽ. (Ảnh từ Internet)
Trước đây, làng nghề sơn mài Hạ Thái chỉ sử dụng những chất liệu chính là giấy, là gỗ, giờ thì đã có thêm sự xuất hiện của các chất liệu mới như tre, nứa, song mây ghép, gốm sứ, composite…
Ban đầu, đồ sơn mài của làng Hạ Thái cũng chỉ có 3 màu là sơn then màu đen, sơn son màu đỏ và sơn cánh gián màu vàng nâu. Thế nhưng, qua quá trình tìm tòi và sáng tạo không ngừng của những nghệ nhân, những người thợ, các sản phẩm sơn mài Hạ Thái hiện nay đã có những màu sắc mới với đa dạng các sắc độ khác nhau, tạo ra những sản phẩm có màu sắc tươi tắn, ẩn hiện tầng tầng lớp lớp, màu dưới nâng màu trên một cách tinh tế, sống động, vừa lộng lẫy lại vừa đằm thắm.
Sự xuất hiện của những chất liệu mới, những màu sắc mới đã mang đến cho các sản phẩm sơn mài Hạ Thái thêm nhiều hình dáng, màu sắc phức tạp, lạ mắt, vô cùng độc đáo.
Các sản phẩm sơn mài Hạ Thái hiện nay rất phong phú, độc đáo về màu sắc, hình dáng, chất liệu, họa tiết… (Ảnh từ Internet)
Thực tế phát triển của làng sơn mài Hạ Thái
Trong nhịp sống hối hả của thời đại mới, làng nghề Hạ Thái cũng luôn không ngừng sáng tạo, đổi mới, áp dụng thêm nhiều kĩ thuật mới vào nghệ thuật sơn mài, tìm cách để mở rộng mô hình kinh doanh, nâng cao độ phủ sóng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống. Năm 2020, Hạ Thái đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề.
Du khách thích thú với những trải nghiệm tại làng nghề sơn mài Hạ Thái. (Ảnh từ Internet)
Hiện nay, các sản phẩm sơn mài của làng nghề Hạ Thái không những được ưa chuộng trong nước mà còn được đón nhận bởi khách hàng quốc tế, được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Doanh thu của các doanh nghiệp lớn ở Hạ Thái có thể lên tới hàng tỉ đồng mỗi năm. Có thể nói, làng nghề sơn mài Hạ Thái không chỉ giữ vững truyền thống của một làng nghề nhiều năm tuổi mà còn mang trong mình sức sống mới, tự tạo được chỗ đứng vững vàng giữa những làng nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của Việt Nam.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu hơn về lịch sử phát triển của làng nghề sơn mài Hạ Thái, những sự kì công trong quy trình sản xuất ra sản phẩm của làng nghề, từ đó thêm trân trọng sự sáng tạo, tài hoa, khéo léo của những người thợ, người nghệ nhân nơi đây.