Làng Quất Động được xem là nơi khởi nguồn của nghề thêu ở Việt Nam với lịch sử đã cả gần 400 năm. Trong bài viết hôm nay, JAVICO sẽ giới thiệu tới bạn những thông tin chi tiết về làng nghề thêu Quất Động.
Làng nghề thêu Quất Động ở đâu?
Làng thêu Quất Động hiện nay thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 25 km về phía Nam.
Lịch sử của làng nghề thêu Quất Động
Nghề thêu có mặt ở làng Quất Động từ thế kỉ 17. Tương truyền, vào năm 1646, ông Lê Công Hành – một người con của làng Quất Động – được cử đi sứ ở Trung Quốc. Trong chuyến đi này, ông đã học được nghề làm lọng và nghề thêu. Khi về nước, ông đã truyền nghề cho người dân ở làng Quất Động.
Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành. (Ảnh từ Internet)
Ông Lê Công Hành được tôn làm ông tổ nghề thêu không chỉ của làng Quất Động nói riêng mà còn cả của Việt Nam nói chung. Hằng năm, cứ vào dịp giỗ ông (ngày 12/6 âm lịch), những người làm nghề thêu lại đổ về Quất Động để tưởng nhớ, tri ân công lao của ông.
Ban đầu, các sản phẩm thêu của làng Quất Động chủ yếu là các sản phẩm nghi lễ, đồ thờ cúng, đồ trang trí, trang phục cho cung đình, quý tộc, đình chùa… như các loại câu đối, nghi môn, khăn chầu, áo ngự… cho vua chúa. Ngay từ thời phong kiến, các sản phẩm thêu của làng Quất Động đã nổi tiếng gần xa, có những bức tranh thêu thậm chí còn được đưa sang Lào, Thái Lan.
Hình ảnh một nghệ nhân thêu được ghi lại vào năm 1900. (Ảnh từ Internet)
Nét độc đáo của các sản phẩm thêu làng nghề Quất Động
Người thợ thêu Quất Động không những phải có đôi tay khéo léo mà còn cần óc sáng tạo, khiếu thẩm mĩ cao. Để cho ra đời một sản phẩm thêu của làng Quất Động, người thợ sẽ phải thực hiện rất nhiều công đoạn, từ vẽ mẫu, in kiểu, san bản cho tới chọn chỉ màu rồi thêu.
Kĩ thuật thêu tay truyền thống của làng nghề gồm những kĩ thuật cơ bản là nối đầu, lướt vặn, đâm sô, bó hạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt đơn, sa hạt kép, khoắn vảy đơn, khoắn vảy kép và chăng chặn. Muốn sản phẩm có hồn, mềm mại, có giá trị thẩm mĩ cao, từng đường chân chỉ phải thật mịn màng, đều đặn và phải được giấu thật khéo léo, màu sắc, độ đậm nhạt, hình khối phải thật sắc nét, hài hoà và chân thực.
Người thợ Quất Động khéo léo đưa từng mũi thêu. (Ảnh từ Internet)
Hiện nay, các sản phẩm của làng nghề thêu Quất Động được chia thành 4 loại hình chính là thêu tranh, thêu chân dung, thêu trang phục và thêu các mặt hàng truyền thống (như câu đối, nghi môn, cờ, lọng, trướng, khăn trải bàn, chăn gối…). Ngoài ra, người thợ ở Quất Động còn thực hiện thêm một số công việc khác như khâu, đính cườm, gắn sừng, ráp túi xách… trên các sản phẩm thêu.
Các bức tranh thêu của làng nghề Quất Động chủ yếu là tranh thêu các phong cảnh, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam, các tích cổ như cây đa, bến nước, đền Ngọc Sơn, cố đô Huế, đám cưới chuột, cá chép trông trăng, các loại hoa đẹp, các biểu tượng may mắn, phú quý trong phong thuỷ…
Tranh thêu Quất Động nổi bật với màu sắc hài hoà, hình khối sắc nét, đường thêu mềm mại. (Ảnh từ Internet)
Tranh thêu của làng nghề Quất Động nổi tiếng với kĩ thuật thêu 2 mặt trên chất liệu voan mỏng, dùng chỉ thêu bằng chất liệu tơ tằm. Với kĩ thuật này, chân chỉ được người thợ khéo léo giấu vào chính giữa, vì thế người xem khó mà nhận ra được đâu là điểm bắt đầu, đâu là điểm kết thúc của tác phẩm. So với tranh thêu thông thường, thời gian để hoàn thành một bức tranh thêu 2 mặt thường lâu gấp 3 lần.
Làng nghề Quất Động nổi tiếng với kĩ thuật thêu tranh 2 mặt. (Ảnh từ Internet)
Với loại hình thêu chân dung, không chỉ dừng lại ở việc có kĩ thuật thêu khéo léo, người thợ thêu Quất Động còn phải có những hiểu biết nhất định về nghệ thuật hội hoạ và nhiếp ảnh, có thế thì thần thái, tính cách của người trong tranh mới được lột tả hết.
Những bức chân dung sống động hiện ra dưới đôi tay tài hoa của người thợ thêu Quất Động. (Ảnh từ Internet)
Với loại hình thêu trang phục, làng nghề Quất Động có thực hiện việc thêu và phục chế trang phục cung đình, điều này đòi hỏi người thợ phải có sự am hiểu về các quy định liên quan đến trang phục cung đình và thực hiện thật chính xác tới từng màu sắc, hoa văn.
Thực tế phát triển của làng nghề thêu Quất Động hiện nay
Hiện nay, ở làng nghề Quất Động, nghề thêu là nghề chính của rất nhiều hộ gia đình, có những hộ gia đình còn giữ nghề qua năm, bảy thế hệ. Nghề thêu Quất Động tạo ra công việc và nguồn thu nhập ổn định cho người dân ở đây.
Nghề thêu ở Quất Động đem lại công việc, thu nhập ổn định cho nhiều người. (Ảnh từ Internet)
Các sản phẩm thêu của làng Quất Động nổi tiếng với sự tinh tế, mềm mại không những được ưa chuộng trong nước mà còn được xuất khẩu tới nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Mĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về làng nghề Quất Động – nơi được mệnh danh là cái nôi của làng nghề thêu tay truyền thống của Việt Nam.