Làng rèn Đa Sỹ vốn nổi tiếng với những con dao sắc đến mức chặt được cả sắt. Trong bài viết dưới đây, JAVICO sẽ chia sẻ tới bạn lịch sử và những nét đặc trưng nổi bật nhất của làng nghề này.
Làng rèn Đa Sỹ ở đâu?
Làng rèn Đa Sỹ thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng hơn 10km, nằm bên bờ sông Nhuệ hiền hoà. Khi đến với làng nghề, đâu đâu cũng thấy tiếng búa đập, tiếng mài, thấy bễ lò rèn đỏ lửa…
Lịch sử của làng nghề rèn Đa Sỹ
Làng Đa Sỹ xa xưa có tên là làng Sẽ, sau được đổi thành Đan Khê, rồi Huyền Khê, rồi Đan Sỹ và cuối cùng là Đa Sỹ. Cái tên Đa Sỹ ra đời từ khoảng giữa thế kỉ 18 và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, mang ý nghĩa là vùng đất khoa bảng với nhiều tiến sĩ. Theo lịch sử ghi chép lại, Đa Sỹ là quê hương của 11 vị tiến sĩ và 1 vị lưỡng quốc trạng nguyên.
Tương truyền, nghề rèn đã có mặt ở Đa Sỹ từ thời vua Hùng thứ 18. Lúc đó, ở đây chủ yếu rèn các loại giáo, mác để làm vũ khí cho các lạc hầu, lạc tướng giữ yên bờ cõi và các loại nông cụ phục vụ lao động sản xuất.
Đến thời Trần, hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần đã dạy cho người dân Đa Sỹ những bí quyết để rèn được các sản phẩm tinh xảo, từ đó Đa Sỹ trở thành một làng rèn chuyên nghiệp, nức tiếng gần xa.
Hiện nay, cứ đến ngày 27/3 và 25/8 âm lịch, làng rèn Đa Sỹ lại tổ chức lễ giỗ của hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần để tưởng nhớ công ơn truyền nghề của hai cụ.
Vào dịp hội làng Đa Sỹ, bao giờ cũng có nghi thức dâng hương cúng tổ nghề. (Ảnh tè Internet)
Sản phẩm của làng nghề Đa Sỹ
Hiện nay, làng nghề Đa Sỹ có rất nhiều những sản phẩm khác nhau để phục vụ sinh hoạt, sản xuất như các loại dao, kéo, đồ gia dụng kim khí, các loại nông cụ, đồ nghề xây dựng như cuốc, xẻng, mai, thuổng, búa, đục, bào, lưỡi cưa…
Các sản phẩm của làng nghề rèn Đa Sỹ vô cùng đa dạng. (Ảnh từ Internet)
Làng nghề Đa Sỹ nổi tiếng với các loại dao thái to, dao chặt, trong đó dao thái thì sắc ngọt, dao chặt thì khi chặt không làm mẻ xương. Các sản phẩm dao ở đây thậm chí còn nổi danh là chặt được cả sắt.
Dao được sản xuất ở làng nghề Đa Sỹ nức tiếng gần xa. (Ảnh từ Internet)
Nét đặc trưng của sản phẩm làng nghề rèn Đa Sỹ
Nghề rèn ở Đa Sỹ là một nghề vừa cần sức khoẻ tốt, vừa cần sự khéo léo, mắt thẩm mĩ cao, vừa đòi hỏi sự bền bỉ.
Nguyên liệu để làm nên những sản phẩm ở đây chủ yếu là thép để làm sản phẩm và gỗ để làm các loại cán. Để làm ra được một sản phẩm chất lượng, người thợ rèn Đa Sỹ cần thực hiện rất nhiều công đoạn khác nhau, trong đó công phu nhất là khâu luyện thép và làm nguội.
Ở khâu luyện thép, người thợ sẽ nung thép trong lò ở nhiệt độ trên 1.000 độ C, tuỳ thuộc vào loại nguyên liệu thép và độ dày mỏng của sản phẩm mà thời gian nung sẽ khác nhau. Theo kinh nghiệm do các cụ trong làng Đa Sỹ truyền lại, để thử xem thép đã được nung đến nhiệt độ chuẩn hay chưa, chỉ cần nhỏ vài giọt nước lên bề mặt phôi thép. Nếu nước biến thành những hạt nhỏ li ti thì có nghĩa là nhiệt độ đã đủ. Nếu nung quá lửa, sản phẩm sau này sẽ giòn, dễ vỡ, dễ mẻ.
Người thợ Đa Sỹ thực hiện khâu luyện thép rất cẩn thận, chính xác để sản phẩm có chất lượng cao. (Ảnh từ Internet)
Khi phôi thép chuyển sang màu đỏ trắng, người thợ sẽ đem phôi thép lên đe để quai búa. Công đoạn này sẽ cần hai người thay nhau quai búa nhịp nhàng, thao tác cần thật nhanh, mạnh và dứt khoát.
Công đoạn quai búa cần có hai người nhịp nhàng thực hiện. (Ảnh từ Internet)
Tiếp theo, thép sẽ được đem đi làm nguội bằng cách ủ vào tro nguội. Ở bước này, người thợ cần chú ý căn sao cho nhiệt độ giảm từ từ vì nếu nhiệt giảm quá nhanh, thép sẽ bị giòn, không đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Sau khi làm nguội xong, thép được gọt bỏ những phần thừa để tạo hình sản phẩm.
Cuối cùng, sản phẩm được đem đi hoàn thiện với các công đoạn như mài nước, gạt màu, đánh phớt bóng, bôi dầu, tra cán… Các bước để hoàn thiện sản phẩm thường không đòi hỏi nhiều sức lực và kĩ thuật nên chủ yếu sẽ do người già, phụ nữ, trẻ em thực hiện.
Công đoạn tra cán cho sản phẩm của làng nghề rèn Đa Sỹ. (Ảnh từ Internet)
Các sản phẩm của làng nghề rèn Đa Sỹ trước khi đến tay người tiêu dùng sẽ phải đảm bảo đạt những tiêu chuẩn chất lượng nhất định. Ví dụ, với dao thì phần lưỡi dao phải đều nhau trăm sản phẩm như một, phải sắc, phải mỏng như tờ giấy nhưng lại không được cong, vênh. Muốn được thế, ở khâu tôi thép thì phải chính xác đến từng giây, ở khâu gọt bỏ những phần thừa thì người thợ phải lưu ý kẹp con dao giữa hai thanh tre đặt nghiêng một góc 45 độ.
Các sản phẩm của làng nghề Đa Sỹ phải đạt tiêu chuẩn, ví dụ dao thì lưỡi phải sắc bén, không được cong vênh… thì mới được xuất xưởng. (Ảnh từ Internet)
Ngoài ra, với các loại dao, ở Đa Sỹ còn có kĩ thuật bổ đôi sắt và đưa thép vào rèn nhằm giúp tăng độ sắc bén cho sản phẩm. Người thợ sẽ tách đôi tấm sắt mỏng rồi cho vào giữa một lưỡi thép (tuỳ vào dao dùng để thái, chặt hay băm để chọn loại thép phù hợp), tiếp đó đem phần nguyên liệu vỏ bằng sắt, ruột bằng thép này đem đi nung nóng để chúng quyện vào nhau, sau đó mới tiếp tục các công đoạn rèn, mài, tra cán…
Thực tế phát triển hiện nay của làng nghề Đa Sỹ
Hiện nay, việc làm nghề ở Đa Sỹ đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các loại máy móc tự động và bán tự động như máy tạo phôi, máy dập búa, máy mài… nên năng suất được tăng cao hơn, công việc cũng phần nào đỡ vất vả hơn, phụ nữ cũng tham gia sản xuất được ở nhiều công đoạn hơn. Việc dạy nghề cũng được chú trọng để nghề không bị mai một.
Việc sản xuất ở làng nghề Đa Sỹ hiện nay có thêm sự hỗ trợ từ nhiều loại máy móc. (Ảnh từ Internet)
Các sản phẩm của làng nghề Đa Sỹ không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được xuất khẩu tới các thị trường nước ngoài như Mĩ, Pháp, Đức…
Ngoài ra, một số hộ gia đình ở Đa Sỹ còn phát triển hoạt động du lịch tại làng nghề. Du khách khi đến đây sẽ được tham quan và trải nghiệm những công việc để tạo ra sản phẩm, được hướng dẫn cách tự rèn, tự khắc lên sản phẩm để làm đồ lưu niệm.
Du khách thích thú trải nghiệm ở làng rèn Đa Sỹ. (Ảnh từ Internet)
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã thêm hiểu về làng nghề rèn Đa Sỹ – nơi có truyền thống làm nghề lâu đời và thêm trân trọng công sức của những người thợ vẫn đang ngày đêm gìn giữ nghề của ông cha để lại.