Rối nước là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo của Việt Nam. Khi nhắc đến nghệ thuật múa rối nước, Đào Thục là một cái tên không thể bỏ qua. Trong bài viết dưới đây, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu về làng rối nước Đào Thục.
Làng rối nước Đào Thục ở đâu?
Làng rối nước Đào Thục nằm dưới bờ đê sông Cà Lồ, thuộc địa phận xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 25km.
Lịch sử của làng rối nước Đào Thục
Làng Đào Thục trước đây có tên là Đào Xá. Đến thời vua Đồng Khánh (1885 – 1889), tên làng được đổi thành Đào Thục và giữ nguyên như vậy cho tới ngày nay.
Nghề rối nước ở làng Đào Thục có tuổi đời đã hơn 300 năm. Tương truyền, vào thời Hậu Lê, trong làng có ông Nguyễn Đăng Vinh (1658 – 1732) làm quan Nội giám trong triều. Được tiếp xúc với nhiều loại hình múa rối của các phường rối trên cả nước, ông đã chắt lọc những tinh hoa để truyền cho người dân trong làng.
Dân làng Đào Thục đã tôn ông làm tổ nghề, khi ông mất đã lập bia tưởng nhớ. Hằng năm, vào ngày giỗ của ông (24/2 Âm lịch), người dân Đào Thục đều tổ chức lễ giỗ tổ nghề để tôn vinh công lao của ông.
Người dân Đào Thục luôn ghi nhớ công lao của ông tổ nghề rối nước Nguyễn Đăng Vinh. (Ảnh từ Internet)
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, nghề múa rối nước Đào Thục có lúc tưởng chừng như mai một hẳn. Đến những năm 1970 – 1980, hoạt động của phường rối nước Đào Thục từng bước được phục hồi. Năm 1984, toàn bộ 17 tích trò cổ của rối nước Đào Thục đã được khôi phục.
Từ đó đến nay, làng Đào Thục tiếp tục duy trì những tích trò cổ, đồng thời sáng tạo được thêm 7 tích trò mới. Năm 2023, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Nét đặc trưng của rối nước Đào Thục
Phường múa rối nước Đào Thục có tới 3 tổ khác nhau để phục vụ hoạt động biểu diễn, bao gồm:
- Tổ chế tác: chế tác và tạo hình các quân rối, chế tác sào máy – dụng cụ chuyên để biểu diễn những tích rối khó.
- Tổ nước: điều khiển con rối dưới nước.
- Tổ cạn: biểu diễn âm nhạc, giáo trò, hát chèo trên bờ.
Mỗi tổ trong phường rối nước tuy có vai trò riêng nhưng các thành viên của các tổ ai cũng phải nắm rõ những hoạt động của tổ trên cả hai phương diện lí thuyết và thực hành. Ở làng Đào Thục, có rất nhiều nghệ nhân rối nước lâu năm, trong đó có cả những người đã được phong danh hiệu cao quý là nghệ nhân ưu tú.
Sân khấu rối nước Đào Thục là thuỷ đình – một ngôi nhà có phần mái cong hình rồng tái hiện kiến trúc đình làng được dựng trên mặt ao, phía trước có những tấm mành che làm bằng cói xanh biếc.
Sân khấu của phường rối nước Đào Thục. (Ảnh từ Internet)
Điểm đặc biệt khi các nghệ nhân Đào Thục trình diễn rối nước đó là mỗi tích trò sẽ kéo dài khoảng 5 – 10 phút, các tích trò được diễn nối tiếp nhau liên tục chứ không có phần giới thiệu đan xen. Các tiết mục rối nước có cả những tích trò cổ như Trâu đi cày, Tếu bắt ác, Lên võng xuống ngựa, Đánh cáo bắt vịt… và cả những tích trò mới như Hà Nội 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, Trầu cau quan họ, Huyền thoại Cổ Loa thành…
Rối Đào Thục được làm từ gỗ sung vì gỗ sung có tỉ lệ hút nước thấp nên rối sẽ nhẹ, giúp người trình diễn dễ dàng điều khiển hơn. Ngoài ra, rối sẽ được gắn thêm sào tre và dây chạc để người trình diễn có thể dễ dàng kéo, điều khiển rối trong buổi diễn. Điểm đặc biệt của rối Đào Thục đó là các nhân vật rối có tính ước lệ và tượng trưng cao, người nghệ nhân khi chế tác, tạo hình vừa phải sáng tạo, vừa phải khéo léo truyền tải cái thần của nhân vật, vừa phải lưu giữ lại sự thô sơ của chất liệu gỗ. Theo các nghệ nhân tạo hình rối trong làng, để làm ra một con rối cao khoảng 30 – 40cm có thể mất tới cả 10 ngày.
Người nghệ nhân Đào Thục chế tác, tạo hình con rối. (Ảnh từ Internet)
Những người tham gia tổ cạn sẽ thực hiện dẫn chương trình, biểu diễn âm nhạc bằng các điệu hát và các loại nhạc cụ gồm trống to, trống nhỏ, đàn nhị, đàn tam, đàn nguyệt, sáo trúc, thanh la, nhịp phách…, đồng thời thực hiện đối đáp, ứng biến sao cho phù hợp với hoạt cảnh đang được trình diễn dưới nước. Tổ cạn đóng vai trò rất lớn trong việc tạo không khí cho buổi diễn, những người tham gia phải vừa hoạt ngôn, vừa hát hay, vừa khéo chơi nhạc cụ.
Tổ cạn giữ nhịp cho sân khấu rối nước. (Ảnh từ Internet)
Nước thường vừa lạnh, vừa có lực cản nên những người điều khiển rối vừa phải có sức khoẻ để trầm mình lâu dưới nước, vừa phải dày công tập luyện để thành thạo các thao tác điều khiển sao cho động tác di chuyển của rối thật linh hoạt, mượt mà. Phường rối Đào Thục có nhiều kĩ thuật điều khiển rối khác nhau, những ai tham gia điều khiển rối đều phải nắm rõ các kĩ thuật này, từ rối dây, rối sào cho đến rối que, rối bè, rối đống…
Người nghệ sĩ trầm mình dưới nước để diều khiển rối. (Ảnh từ Internet)
Những kĩ thuật điều khiển rối khó sẽ là sử dụng sào máy để kéo rối chạy xung quanh ao, hồ biểu diễn, sử dụng sào để điều khiển rối quay trái, quay phải, bơi lượn trên mặt nước, cắm rối nhỏ để tạo cảnh bổ sung cho các tích trò, tạo bè rối gồm một đống quân rối đi lại đều đặn trên mặt nước…
Một buổi biểu diễn rối nước Đào Thục. (Ảnh từ Internet)
Thực tế phát triển của làng nghề rối nước Đào Thục
Hằng năm, phường rối nước Đào Thục hầu như đều tham gia vào các hoạt động biểu diễn tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học, tham gia biểu diễn tại lễ hội đền Cổ Loa, tham gia biểu diễn tại các liên hoan múa rối… Bên cạnh đó, hiện nay, làng Đào Thục rất chú trọng phát triển các hoạt động du lịch, vừa để quảng bá nghệ thuật múa rối nước Đào Thục, vừa giúp tạo động lực cho những nghệ nhân nơi đây tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề.
Các du khách xem trình diễn rối nước Đào Thục. (Ảnh từ Internet)
Du khách khi đến với làng nghề có thể tham gia vào nhiều hoạt động như: xem biểu diễn trực tiếp ở phường múa rối nước Đào Thục, tham quan buồng trò và hậu trường sau sân khấu, trải nghiệm tự điều khiển con rối, trải nghiệm tự vẽ con rối, tham gia vào hội làng, lễ giỗ tổ nghề, tham gia các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, đi cà kheo…
Du khách thích thú tham quan, trải nghiệm tại làng nghề rối nước Đào Thục. (Ảnh từ Internet)
Hiện nay có rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến với làng Đào Thục để tìm hiểu và trải nghiệm về nghệ thuật rối nước, trong đó chiếm đa số là du khách quốc tế. Đặc biệt, phường rối nước Đào Thục còn có cơ hội tiếp đón rất nhiều đoàn đại biểu là các lãnh đạo Việt Nam và quốc tế, các vị Đại sứ và đại diện của các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ…
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về làng nghề rối nước Đào Thục – một làng nghề có tuổi đời đã hơn 300 năm – nơi lưu giữ và truyền tải những giá trị văn hoá đặc sắc, thấm đẫm hồn Việt Nam.