Những chiếc ô giấy wagasa từ lâu đã là một biểu tượng đặc sắc của văn hoá Nhật Bản. Trong bài viết này, JAVICO sẽ giới thiệu chi tiết về chiếc ô giấy truyền thống của người Nhật.
Lịch sử của chiếc ô giấy Nhật Bản
Ô giấy wagasa là loại ô truyền thống của Nhật Bản với lịch sử hơn 1.000 năm và vẫn luôn được làm từ những vật liệu tự nhiên là giấy washi và tre. Dưới đây là những dấu mốc đáng nhớ trong quá trình phát triển của chiếc ô giấy wagasa:
- Ô wagasa có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập vào Nhật Bản trong những năm đầu của thời kì Heian (794 – 1185). Ban đầu, ô wagasa không thể xếp gọn lại và chủ yếu được tầng lớp quý tộc dùng để che nắng, xua đuổi tà ma và phô trương sự xa hoa, uy quyền.
- Đến thời kì Muromachi (1336 – 1573), người Nhật đã phát triển kĩ thuật phết dầu lên giấy để chống nước, ô wagasa từ đó bắt đầu được sử dụng để che mưa.
- Đến thời kì Azuchi Momoyama (1568 – 1603), người Nhật đã sử dụng kĩ thuật dùng ròng rọc để điều chỉnh độ mở của ô wagasa, giúp sản phẩm trở nên hoàn thiện một cách vượt bậc.
Hình ảnh ô wagasa được lưu lại trong một bức tranh cổ. (Ảnh từ Internet)
- Đến thời kì Edo (1603 – 1868), vô số những kiểu dáng độc đáo của ô giấy wagasa đã ra đời, từ loại được ưa chuộng bởi các y sĩ, tăng lữ, loại dùng làm đạo cụ trên sân khấu Kabuki cho tới loại được thiết kế sao cho tên cửa hàng/doanh nghiệp hiện lên trên tán ô ngay khi thấm nước. Ô giấy wagasa được sử dụng rộng rãi trong thời kì này. Đặc biệt, phụ nữ Nhật Bản còn coi đây là một phụ kiện thời trang không thể thiếu khi mặc kimono.
- Đến thời kì Meiji (1868 – 1912), các loại ô dù bền, rẻ được du nhập từ phương Tây vào Nhật Bản đã dần thay thế ô giấy wagasa.
Các mẫu wagasa với đa dạng sắc màu, hoạ tiết. (Ảnh từ Internet)
Đến nay, mặc dù không còn được sử dụng phổ biến như trước song ô giấy wagasa vẫn là một phần không thể thiếu của văn hoá Nhật Bản và vẫn được sử dụng tại những buổi lễ trà đạo, những buổi biểu diễn các làn điệu dân gian, vẫn xuất hiện tại các lữ quán truyền thống, các địa điểm du lịch…
Hiện nay, tại Nhật Bản vẫn còn những cửa hàng chế tác ô giấy truyền thống wagasa tại Gifu, Kyoto, Kanazawa, Tokushima, Tottori, Ehime… để phục vụ nhu cầu sử dụng, mua sắm trong và ngoài nước.
Một cửa hàng ô wagasa tại Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)
Những đặc điểm của dù giấy wagasa
Một nghệ nhân thường phải mất tới hàng tháng để hoàn thành được một chiếc ô giấy wagasa truyền thống. Quy trình làm ô wagasa gồm khoảng 100 công đoạn từ lắp khung, dán giấy cho tới buộc dây, trang trí… và tất cả đều được thực hiện thủ công một cách tỉ mỉ.
Đầu tiên, nghệ nhân vót nan và làm khung, nếu như các loại ô hiện đại chỉ có 8 nan khung thì ô wagasa lại cần tới gần 50 nan khung do tán ô khá nặng vì được làm từ giấy sơn dầu. Tiếp theo, nghệ nhân khéo léo vẽ các hoa văn, hoạ tiết trang trí hình chim muông, hoa lá… truyền thống mang tính đặc trưng của văn hoá Nhật Bản lên giấy washi. Sau đó, nghệ nhân dán giấy washi lên khung bằng một loại keo làm từ bột sắn rồi phủ sơn lên giấy. Với loại ô wagasa dùng đi mưa, nghệ nhân còn phải phết những lớp dầu thực vật như dầu ngô đồng, dầu lanh hay mủ hồng lên giấy để ô không bị thấm nước.
Nghệ nhân Nhật Bản tỉ mỉ trong từng công đoạn làm ô wagasa. (Ảnh từ Internet)
Giá của ô giấy wagasa không phụ quá nhiều vào thiết kế mà chủ yếu nằm ở chất lượng của giấy washi. Giấy có chất lượng càng tốt, càng bền thì ô có giá thành càng cao. Nghệ nhân làm ô wagasa sẽ tiến hành phủ sơn và dầu lên một miếng giấy washi nhỏ để thử độ bền của giấy.
Do tán ô wagasa được làm bằng giấy nên theo thời gian, màu của ô sẽ phai dần. Tuy nhiên, người Nhật không coi đây là sự xuống cấp mà với họ, chiếc ô lúc này sẽ có một vẻ trang nhã nhuốm màu thời gian được đánh giá rất cao.
Màu của chiếc ô wagasa phai dần theo thời gian tạo nên nét trang nhã riêng. (Ảnh từ Internet)
Ở Nhật Bản, ô giấy wagasa ở mỗi vùng lại có những đặc điểm khác nhau. Ví dụ, ô giấy ở vùng Kanazawa thường có bộ khung cứng cáp hơn so với vùng Tokyo, Kyoto vì lượng mưa ở đây lớn, chiếc ô wagasa phải thật chắc chắn thì mới chịu được những hạt mưa to.
Chiếc ô giấy truyền thống wagasa của Nhật Bản rất chắn chắn và nếu được bảo dưỡng đúng cách thì độ bền của ô có thể lên tới 20 năm. Nếu cần thiết, nghệ nhân có thể thay thế lớp giấy mới cho chiếc ô wagasa.
Ô giấy wagasa có thể che mưa, nhưng không nên dùng khi trời có gió lớn vì các nan của ô có dạng thẳng chứ không phải dạng cong. Bên cạnh đó, khi không sử dụng, ô cần được để ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào trực tiếp để tránh làm ảnh hưởng đến khả năng chống thấm, hạn chế tình trạng giấy (đã được thấm dầu) bị biến chất và rách.
Các loại ô giấy của người Nhật
Ô giấy được người Nhật chia thành nhiều loại khác nhau dựa trên kiểu dáng và bối cảnh sử dụng, trong đó có thể kể ra những loại chính như sau:
Bangasa (番傘)
Loại ô giấy này được thiết kế với kiểu dáng cứng cáp, không có hoa văn, phù hợp để sử dụng kèm trang phục nam giới truyền thống. Người ta cho rằng tên gọi bangasa xuất phát từ việc loại ô giấy này thường được đặt ở các lữ quán và được đánh số (bango) để cho khách mượn đi dạo.
Janomegasa (蛇の目傘)
Tên gọi này trong tiếng Nhật có nghĩa là ô mắt rắn. Sở dĩ có cái tên này là do phần tán của ô giấy janomegasa có một vòng giấy màu trắng ở giữa, phần trung tâm và phần mép thì lại được dán giấy đỏ hoặc xanh thẫm, khi nhìn từ trên xuống trông sẽ giống như mắt rắn. Ô giấy janomegasa rất được ưa chuộng bởi nữ giới.
Maigasa (舞傘)
Loại ô giấy này được trang trí bằng những hoạ tiết, hoa văn cầu kì, sặc sỡ, thích hợp để sử dụng kèm kimono và chủ yếu thường dùng để che nắng. Ngoài ra, ô giấy maigasa rất nhẹ nên còn được dùng để biểu diễn dân ca.
Nodategasa (野天傘)
Đây là loại ô giấy khổng lồ được sử dụng cho các buổi trà đạo ngoài trời. Ngoài ra, ô nodategasa còn được sử dụng để trang trí tại các chùa chiền, đền thờ, lữ quán, trong lễ kết hôn và các lễ hội truyền thống của người Nhật.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về chiếc ô giấy truyền thống wagasa của xứ sở hoa anh đào.