Khi nhắc tới những nét văn hóa đặc sắc của xứ sở hoa anh đào, văn hóa trà đạo Nhật Bản là một phần không thể bỏ qua. Cầu kì, tinh tế, ẩn chứa nhiều triết lí nhân sinh sâu sắc là những gì người ta đúc kết về nghệ thuật này của người Nhật. Trong bài viết dưới đây, JAVICO sẽ chia sẻ tới bạn nguồn gốc, ý nghĩa, các quy tắc… của nghệ thuật trà đạo Nhật Bản.

Trà đạo Nhật Bản là gì?

Trà đạo trong tiếng Nhật được biết đến là 茶道 (sadō/chadō) hoặc 茶の湯 (chanoyu). Đây là một nghi lễ pha chế và uống trà, thường diễn ra trong một phòng trà truyền thống.

Theo thời gian, trà đạo đã dần được người Nhật nâng tầm, không đơn thuần chỉ là cách pha và thưởng thức trà, là cách thể hiện lòng hiếu khách của chủ nhà mà đã trở thành một nghệ thuật, một triết lí sống ở xứ sở hoa anh đào.

Trà đạo là một nghệ thuật, một nét văn hóa đặc sắc của Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Trà đạo là một nghệ thuật, một nét văn hóa đặc sắc của Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Lịch sử trà đạo Nhật Bản

Trà đã du nhập vào Nhật Bản từ khoảng thế kỉ thứ 9. Nhà sư Eichū khi trở về từ Trung Quốc (vào thời Đường) đã mang theo một ít trà và đã đích thân chuẩn bị, phục vụ sencha (đồ uống từ lá trà ngâm trong nước nóng) cho Thiên hoàng Saga vào năm 815 khi Thiên hoàng đi du ngoạn ở Karasaki (nay là tỉnh Shiga). Năm 816, trà bắt đầu được trồng tại các đồn điền ở vùng Kinki.

Từ thế kỉ thứ 9, trà bắt đầu được trồng tại Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Từ thế kỉ thứ 9, trà bắt đầu được trồng tại Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Vào cuối thế kỉ 12, nhà sư Eisai khi trở về từ Trung Quốc đã mang theo kĩ thuật pha trà tencha, trong đó matcha (bột trà xanh) được cho vào bát, thêm nước nóng, sau đó bột trà và nước nóng được đánh bông lên với nhau. Cách thưởng thức matcha này ban đầu được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo. Đặc biệt, nhà sư Eisai cũng mang theo về hạt trà mà về sau đã sản xuất ra loại trà được đánh giá là có chất lượng tuyệt hảo nhất của Nhật Bản. Sau này, nhà sư cũng cho ra đời cuốn sách Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký (Kissa Yojoki) ghi lại những chuyện liên quan tới thú uống trà.

Nhà sư Eisai – người đã giới thiệu cách thưởng thức matcha vào Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Nhà sư Eisai – người đã giới thiệu cách thưởng thức matcha vào Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Vào thế kỉ 13, dưới thời Mạc phủ Kamakura, trà đã trở thành một biểu tượng của địa vị trong tầng lớp chiến binh. Những buổi tōcha (nếm trà) đã xuất hiện, trong đó những người tham gia sẽ thực hiện nếm trà và ai đoán được loại trà có chất lượng tốt nhất sẽ được nhận những giải thưởng giá trị, xa hoa.

Trong buổi tōcha, người tham gia sẽ phải nếm để phân biệt các loại trà. (Ảnh từ Internet)

Trong buổi tōcha, người tham gia sẽ phải nếm để phân biệt các loại trà. (Ảnh từ Internet)

Từ thế kỉ 14, việc sử dụng trà đã phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản. Đến thế kỉ 16, việc uống trà đã lan rộng tới mọi tầng lớp trong xã hội Nhật Bản. Ở thời kì này, Sen no Rikyū – một chuyên gia về trà – đã đặt ra những tiền lệ cho những gì ngày nay được biết đến là trà đạo.

Sen no Rikyū – người có ảnh hưởng sâu sắc tới trà đạo Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Sen no Rikyū – người có ảnh hưởng sâu sắc tới trà đạo Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Sen no Rikyū đã viết cuốn sách Southern Record để giải thích những kiến thức về trà và thúc đẩy ý niệm mỗi cuộc gặp gỡ đều là một dịp duy nhất, không thể lặp lại nên luôn phải được tôn trọng. Cuốn sách này cũng trình bày 4 nguyên tắc quan trọng mà ông học được từ thầy của mình – Takeno Joo – đó là sự hòa hợp, sự tôn trọng, sự thuần khiếtsự tĩnh lặng – sau này đã trở thành 4 nguyên tắc cơ bản của trà đạo.

Bên cạnh đó, Sen no Rikyū còn sáng lập ra 3 trường phái pha trà để duy trì và kế thừa truyền thống uống trà dựa trên những lời dạy của mình là Urasenke, OmotesenkeMushakojisenke – tất cả đều vẫn còn hoạt động cho tới ngày nay, giúp gìn giữ và phát triển nghệ thuật trà đạo.

Ý nghĩa và những nguyên tắc cơ bản trong trà đạo Nhật Bản

Ban đầu, người Nhật đến với thú uống trà vì hương vị hấp dẫn và công dụng thư giãn tinh thần của loại đồ uống này. Sau đó, thú uống trà dần dần được người Nhật kết hợp cùng tinh thần Thiền trong Phật giáo và được nâng lên thành nghệ thuật thưởng thức trà, rồi thành trà đạo – một nét văn hóa đặc sắc của xứ sở Phù Tang.

Trà đạo là nét văn hóa đẹp của người Nhật. (Ảnh từ Internet)

Trà đạo là nét văn hóa đẹp của người Nhật. (Ảnh từ Internet)

Hành trình từ việc uống trà đơn giản chuyển sang cách pha và uống trà, rồi nghi thức thưởng trà, rồi được đúc kết thành trà đạo là một quá trình không ngừng nghỉ, ở đó người Nhật muốn hướng đến việc biến phong tục uống trà được du nhập từ ngoại quốc trở thành một tôn giáo trong nghệ thuật sống của đất nước Nhật Bản.

Trà đạo Nhật Bản dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản là Hòa – Kính – Thanh – Tịch, trong đó:

  • Hòa (和): Có nghĩa là hài hòa, thể hiện sự hài hòa giữa trà nhân và các dụng cụ pha trà, giữa trà nhân và trà thất, và giữa các trà nhân với nhau.
  • Kính (敬): Có nghĩa là kính trọng, thể hiện sự tôn kính của trà nhân với mọi con người, sự vật, thể hiện sự tri ân với cuộc sống, được nảy sinh khi tinh thần của trà nhân vươn đến sự hài hòa hoàn toàn.
  • Thanh (清): Có nghĩa là thanh tịnh, khi sự tôn kính với vạn vật đạt đến sự không phân biệt thì tấm lòng sẽ trở nên thanh thản và yên tĩnh.
  • Tịch (寂): Có nghĩa là tĩnh lặng, khi lòng yên tĩnh, thanh thản thì thế giới sẽ trở nên tĩnh lặng, dù sống giữa muôn người thì cũng như đang sống ở nơi am thất tịch liêu, vắng vẻ.

Hòa – Kính – Thanh – Tịch là 4 nguyên tắc cơ bản của trà đạo Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Hòa – Kính – Thanh – Tịch là 4 nguyên tắc cơ bản của trà đạo Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Những nguyên tắc này đã thể hiện rõ trà đạo không chỉ là phép tắc uống trà mà đây còn là một phương tiện, một cách thức hữu hiệu giúp thanh lọc tâm hồn: trước hết là hòa mình với thiên nhiên, sau đó là chiêm nghiệm, trân quý những điều thanh tao, tốt đẹp đang hiện hữu và tu tâm dưỡng tính để đạt tới giác ngộ.

Các trường phái trà đạo Nhật Bản

Văn hóa trà đạo Nhật Bản có nhiều trường phái khác nhau, trong đó tiêu biểu nhất là:

  • Trường phái Urasenke: Đây là trường phái trà đạo lớn nhất tại Nhật Bản, chiếm tới hơn một nửa số trà nhân tại xứ sở mặt trời mọc. Trường phái này ưu tiên sự hài lòng của người uống trà, thường chú trọng vào việc dùng trà cụ chất lượng và sắp xếp trà cụ một cách ấn tượng nhất.
  • Trường phái Omotesenke: Trường phái này chú trọng tới sự đơn giản và tôn trọng truyền thống xa xưa, thường sử dụng trà cụ đơn giản và thực hành cách pha trà tạo ra ít bọt để người uống cảm nhận được hương vị đậm đà của trà.
  • Trường phái Mushakojisenke: Trường phái này có đặc trưng là sự đơn giản, cố gắng loại bỏ tối đa những sự lãng phí, những hành vi không cần thiết trong trà thất.

Không gian và dụng cụ pha trà đạo Nhật Bản

Để có thể thực hiện được nghi thức trà đạo, sẽ cần có đầy đủ các yếu tố gồm trà thất, trà viên, trà và đạo cụ pha trà, cụ thể như sau:

Trà thất

Trà thất trong văn hóa trà đạo Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Trà thất (phòng trà) là căn phòng được trải những tấm tatami dưới sàn, kích thước phòng tối thiểu là phải trải được 4,5 tấm tatami, thường được bài trí với:

  • Tranh phong cảnh thiên nhiên hoặc những bài thơ, câu liễn để tăng sự trang trọng.
  • Hoa cắm trong bình, lọ hoặc đĩa nhỏ, đặt ở giữa phòng hoặc đặt dưới bức tranh để tạo sự thoải mái, gần gũi với thiên nhiên.
  • Lư trầm đặt ở góc phòng hoặc giữa phòng hoặc dưới bức tranh để tạo mùi hương thoang thoảng nhẹ nhàng, giúp tinh thần được thư giãn, dễ chịu.

Tất cả những đạo cụ trên được sắp xếp một cách gọn gàng, cân bằng và hòa hợp theo phong thủy, không chiếm nhiều diện tích của trà thất.

Trà viên

Trà viên trong văn hóa trà đạo Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Trà viên (vườn trà) là khu vườn có thiết kế phù hợp với việc thưởng trà, ngắm hoa. Trong trà viên thường có những thảm cỏ và các loài cây, loài hoa như hoa anh đào, hoa mơ, hoa mai, liễu, tùng để tạo cảm hứng thi phú. Ngoài ra, trà viên còn có các hòn non bộ, chậu nước, tảng đá lớn được sắp xếp với bố cục chặt chẽ, hài hòa theo quy luật cân bằng âm dương trong phong thủy.

Cách bài trí trà viên phải được thực hiện khéo léo để cảnh trông thật tự nhiên, không đem lại cảm giác cảnh giả do bàn tay người tạo ra.

Trà

Trà trong văn hóa trà đạo Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Trong văn hóa trà đạo Nhật Bản, có thể sử dụng trà bột hoặc trà nguyên lá đều được. Một số loại trà thường được sử dụng là:

  • Trà sencha: Lá trà được hấp ngay khi còn tươi, sau đó được sấy khô, có hương vị thanh mát, chát nhẹ, hậu ngọt.
  • Trà hojicha: Lá trà được hấp, làm héo và sấy khô, sau đó được rang ở nhiệt độ cao khoảng 200 độ C, có màu nâu đỏ, mùi khói đặc trưng, vị đậm đà và ngọt tự nhiên.
  • Trà gyokuro: Lá trà non được che chắn khỏi ánh nắng trong ít nhất 20 ngày trước khi hái, sau đó được đem đi chế biến, có hương vị ngọt thanh, tươi mát.
  • Trà matcha: Lá trà non được loại bỏ phần cuống và gân lá, được hấp và sấy khô rồi nghiền thành bột mịn, có vị ngọt chát đặc trưng.

Ngoài ra, để tăng thêm hương vị và khả năng trị liệu cho trà, người ta có thể sử dụng thêm một số loại thảo dược hoặc củ, quả, đậu phơi khô.

Xem thêm: Trà Shan Tuyết Cổ Thụ – Xứng Danh Thiên Nam Ngũ Tuyệt Trà

Nước pha trà

Nước pha trà trong văn hóa trà đạo Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Nguồn nước dùng để pha trà đạo được lựa chọn kĩ càng. Nước pha trà ngon nhất là nước đầu nguồn vừa ngọt, vừa tươi mát. Ngoài ra, nước cần có lượng oxy cao và nên là nước mềm để hương vị của trà thơm ngon, ngọt ngào hơn. Những loại nước lí tưởng nhất thường là nước suối, nước giếng, nước mưa sạch, không bị ô nhiễm.

Ngoài ra, trong nghi thức trà đạo, người ta không dùng nước sôi để pha trà. Nhiệt độ thích hợp của nước là khoảng 80 – 90 độ C tùy từng loại trà.

Trà cụ

Trà cụ trong văn hóa trà đạo Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Một bộ trà cụ trong nghi thức trà đạo Nhật Bản bao gồm rất nhiều các dụng cụ khác nhau, trong đó tiêu biểu nhất là:

  • Lò nấu nước: Lò đồng dùng than hoặc bếp điện để đun nước.
  • Ấm nước: Dùng để đun nước sôi pha trà, thường làm bằng đồng để giữ được độ ấm cho nước.
  • Hũ đựng nước: Dùng để đựng nước lạnh khi pha trà.
  • Bình trà: Dùng để pha trà lá.
  • Hũ, lọ trà: Dùng để đựng trà bột, thường có những họa tiết đẹp và gần gũi với cuộc sống, trên nắp có thể có hoa văn hình hoa lá, tre, trúc, quạt giấy…
  • Chén trà: Dùng để đựng trà cho khách thưởng thức, được chế tác một cách tỉ mỉ, công phu, mỗi chén thường có độ dày mỏng, cao thấp khác nhau và có những họa tiết độc đáo riêng theo chủ đề thiên nhiên, thời tiết để tùy chọn cho phù hợp với 4 mùa:
    – Chén mùa xuân: Thường có hoa văn hoa anh đào.
    – Chén mùa hạ: Thường thấp và có miệng rộng hơn chén mùa xuân để dễ thoát hơi nóng.
    – Chén mùa thu: Có hình dạng giống chén mùa xuân, thường có hoa văn lá phong.
    – Chén mùa đông: Thường dày và cao hơn chén các mùa khác và có gam màu lạnh.
  • Tách trà nhỏ: Dùng để thưởng thức trà lá.
  • Muỗng múc trà: Dùng để múc trà, được làm bằng tre, dài, có một đầu uốn cong.
  • Gáo múc nước: Dùng để múc nước từ ấm nước, hũ đựng nước ra chén trà, được làm bằng tre, nhỏ, dài.
  • Cây đánh trà: Dùng để đánh tan trà với nước sôi, được làm bằng cách chẻ nhỏ một đầu ống tre thành nhiều cọng tre có kích thước chỉ khoảng 1mm.
  • Chậu đựng nước rửa chén khi pha trà: Thường to hơn chén trà một chút.
  • Khăn fukusa: Dùng để lau hũ, lọ trà và muỗng trà khi pha trà.
  • Khăn chakin: Dùng để lau chén trà khi pha trà.
  • Khăn kobukusa: Dùng để kê chén trà giúp giảm độ nóng của chén trà lên tay khi đem trà cho khách thưởng thức (đặt khăn lên tay, sau đó đặt chén trà lên khăn rồi đem chén trà cho khách).

Các dụng cụ pha và chén, tách uống trà cần được tráng bằng nước sôi trước khi pha trà để làm sạch và làm ấm, sau đó phải dùng khăn lau khô trước khi rót trà vào.

Bánh ngọt

Bánh ngọt trong văn hóa trà đạo Nhật Bản. (Ảnh từ Internet)

Trong nghi thức trà đạo Nhật Bản, thường sẽ có các loại bánh ngọt như wagashi được phục vụ để giúp người uống cảm nhận rõ hơn hương vị của trà.

Cách pha trà đạo Nhật Bản

Việc pha trà đạo Nhật Bản rất cầu kì, muốn có trà ngon thì người pha bắt buộc phải nhớ những quy tắc sau:

  • Trước khi pha trà, cần làm sạch và làm ấm trà cụ bằng cách tráng với nước nóng, sau đó dùng khăn lau khô trà cụ trước khi rót trà vào.
  • Không sử dụng nước sôi để pha trà, nước pha trà được duy trì độ ấm ở 80 – 90 độ C, sau đó tùy vào loại trà để điều chỉnh nhiệt độ nước cho phù hợp.
  • Trước khi cho trà vào ấm, người pha trà cần ngửi mùi thơm để nhận biết loại trà, từ đó chọn ra cách pha trà sao cho phù hợp với số lượng người thưởng thức, đảm bảo trà không quá đậm nhưng cũng không quá nhạt, trà khi rót ra chén phải có đủ hương, vị, sắc.
  • Khi pha trà, cần chú ý để lượng nước vừa đủ vì nước còn sót lại sẽ khiến chất lượng của nước trà lần sau bị giảm do sai nhiệt độ.

Để pha trà đạo Nhật Bản sử dụng trà xanh, các bước thực hiện cơ bản như sau:

Pha trà đạo Nhật Bản sử dụng trà xanh. (Ảnh từ Internet)

  • Bước 1: Chuẩn bị nước nóng.
  • Bước 2: Tráng trà cụ qua nước nóng rồi lau khô.
  • Bước 3: Pha trà:
    – Lần 1: Pha với nước 60 độ C, ngâm trà trong khoảng 2 phút rồi rót ra tách.
    – Lần 2: Pha với nước 80 độ C, ngâm trà trong khoảng 30 – 40 giây rồi rót ra tách.
    – Lần 3: Pha với nước 90 độ C, ngâm trà trong khoảng 30 – 40 giây rồi rót ra tách.
    Khi rót trà, có một lưu ý đó là không bao giờ rót đầy tách trà chỉ trong một lần do cách làm này sẽ gây ra sự khác biệt về lượng trà, độ đậm nhạt của trà trong mỗi tách. Thay vào đó, tất cả các tách trà sẽ được đặt trong khay, sau đó rót theo thứ tự 1, 2, 3… khoảng 30ml/tách cho lần đầu, rồi theo thứ tự 3, 2, 1 khoảng 20ml/tách cho lần hai, để mỗi tách có khoảng 50ml trà.

Để pha trà đạo Nhật Bản sử dụng matcha, các bước thực hiện cơ bản như sau:

Pha trà đạo Nhật Bản sử dụng matcha. (Ảnh từ Internet)

  • Bước 1: Chuẩn bị nước nóng.
  • Bước 2: Tráng trà cụ qua nước nóng rồi lau khô.
  • Bước 3: Rây matcha để matcha mịn, không bị vón cục, sau đó cho khoảng 2g matcha vào chén trà.
  • Bước 4: Rót khoảng 60 – 70ml nước nóng vào chén trà.
  • Bước 5: Tay trái giữ chén trà, tay phải cầm cây đánh trà và đánh đều trong khoảng 30 – 60 giây.
  • Bước 6: Khi thấy bề mặt trà nổi bọt như kem, xoay cây đánh trà theo vòng tròn để gom bọt lại và hoàn tất quá trình đánh trà.

Cách thưởng thức trà đạo Nhật Bản

Một buổi thưởng trà theo nghi thức trà đạo thường sẽ kéo dài khoảng 4 tiếng, gồm tất cả các công đoạn pha và thưởng thức trà. Dưới đây là một số nguyên tắc cần nhớ khi tham gia một buổi tiệc trà đạo Nhật Bản:

  • Trước khi thưởng trà:
    – Đàn ông nên đi tất trắng, phụ nữ nên tránh mặc váy ngắn.
    – Không nên đeo trang sức làm bằng kim loại.
    – Không nên sử dụng nước hoa có mùi hương quá mạnh, quá nồng để giữ cho không gian trà thất trong lành và không làm ảnh hưởng tới việc cảm nhận hương thơm thuần khiết của trà.

Những người tham gia buổi lễ trà đạo nên ăn mặc lịch sự. (Ảnh từ Internet)

Những người tham gia buổi lễ trà đạo nên ăn mặc lịch sự. (Ảnh từ Internet)

  • Trong khi thưởng trà:
    – Người uống trà xoay chén theo chiều kim đồng hồ, lòng bàn tay trái đặt dưới phần đáy của chén trà, tay phải nhẹ nhàng vuốt ve chén trà.
    – Trong khi uống trà cần tập trung vào chén trà, không nhìn ngó ra xung quanh.
    – Sau khi uống trà xong, người uống trà cần xoay nhẹ chén trà theo chiều kim đồng hồ hướng về phía của người pha trà.
    – Khi thưởng trà, người Nhật sẽ dùng kèm các loại bánh ngọt để làm tăng hương vị của trà.

Phần hoa văn đẹp của chén trà thường được quay ra phía ngoài. (Ảnh từ Internet)

Phần hoa văn đẹp của chén trà thường được quay ra phía ngoài. (Ảnh từ Internet)

  • Sau khi thưởng trà:
    – Nếu uống trà loãng, sau khi thưởng thức hết trà, người uống trà sử dụng ngón tay cái và ngón tay trỏ để lau sạch cạnh chén.
    – Nếu uống trà đậm, người uống trà không nhất thiết phải uống hết nước trà nhưng vẫn phải dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ để lau sạch cạnh chén.
  • Một số nguyên tắc khác:
    – Chủ nhà thường mặc kimono để đón khách. Ngày nay, chủ nhà có thể mặc trang phục hiện đại hơn nhưng vẫn phải đảm bảo sự trang trọng và lịch sự.
    – Khách nên mặc trang phục lịch sự, nhã nhặn và cần nhớ phải cởi giày trước khi được dẫn vào phòng chờ của trà thất.
    – Chủ nhà và khách im lặng cúi chào nhau và thực hiện nghi lễ thanh tẩy tại khu vực bồn đá bằng cách rửa tay và súc miệng trước khi vào trà thất.
    – Trong trà thất, khách có thể đưa ra những lời bình cho tranh, bình hoa… của chủ nhà.
    – Khi khách đã ngồi yên vị, trà sư sẽ thực hiện nghi thức pha trà, đồng thời trao chén trà cho các vị khách, trong đó người quan trọng nhất của buổi tiệc trà sẽ được trao chén trà đầu tiên.
    – Khi nhận chén trà hay đĩa bánh, khách phải nhận và cầm bằng hai tay để bày tỏ sự kính trọng.
    – Trong khi pha trà, trà sư thường quay phần mặt trước của chén trà – nơi có những hoa văn trang trí rất đẹp – về phía khách, và khi thưởng trà, khách cũng sẽ xoay mặt trước của chén trà ra ngoài.
    – Không nên nói chuyện riêng trong quá trình diễn ra buổi lễ trà đạo, thay vào đó khách nên để tâm hồn thư giãn, cảm nhận vẻ đẹp của trà thất, trà viên, quan sát trà sư pha trà, lắng nghe tiếng nước sôi…

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về văn hóa trà đạo Nhật Bản – một nghệ thuật, một triết lý sống đặc sắc của xứ sở Phù Tang.