Đất nước Nhật Bản có rất nhiều môn thể thao nổi tiếng, trong đó không thể không nhắc đến bộ môn Kyudo (cung đạo). Trong bài viết này, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về nghệ thuật cung đạo Kyudo của xứ sở mặt trời mọc.
Kyudo là gì?
Kyudo trong văn hóa thể thao Nhật Bản có nghĩa là cung đạo. Đây là môn thể thao sử dụng cây cung làm vũ khí, đòi hỏi người tập phải rèn luyện kĩ thuật để có thể bắn trúng tên vào mục tiêu phía trước.
Kyudo – cung đạo Nhật Bản không chỉ là một môn thể thao mà còn là một nghệ thuật, một cách rèn luyện tâm trí. (Ảnh từ Internet)
Lịch sử của bộ môn cung đạo Kyudo Nhật Bản
Theo những ghi chép trong sách cổ, bộ môn cung đạo Kyudo của Nhật Bản đã xuất hiện từ thời kì Yayoi (khoảng năm 500 TCN – năm 300 SCN). Thuở ban đầu, người Nhật sử dụng cây cung dáng dài có tay nắm, được làm từ gỗ, sơn đen và bọc vỏ bạch dương.
Ở thời kì phong kiến, kĩ năng bắn cung rất được các chiến binh samurai chú trọng và bắn cung thường được kết hợp với cưỡi ngựa, số lượng các trường bắn cung cũng tăng lên đáng kể trong thời kì này.
Bộ môn cung đạo Nhật Bản có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. (Ảnh từ Internet)
Khi người Bồ Đào Nha đến Nhật Bản, họ đã giới thiệu súng – một loại vũ khí mới tiện lợi hơn so với cung tên, khiến tầm quan trọng của môn cung đạo dần dần giảm xuống.
Do không muốn cung đạo bị thoái trào, một nhóm người đã tập hợp lại để nỗ lực khôi phục và vực dậy bộ môn võ thuật truyền thống này. Vào năm 1949, Liên đoàn Cung đạo Nhật Bản ra đời và cung đạo Nhật Bản chính thức trở thành một môn thể thao có hệ thống, quy củ, được hàng nghìn người luyện tập trên khắp thế giới như hiện nay.
Cung đạo Nhật Bản hiện nay là một môn thể thao quy củ, có các liên đoàn riêng. (Ảnh từ Internet)
Đặc điểm của cung đạo Nhật Bản
Giống như nhiều môn thể thao khác trong văn hóa Nhật Bản, bộ môn cung đạo không chỉ chú trọng vào kĩ năng, thể lực mà còn rèn luyện tinh thần cho người tham gia.
Ở giai đoạn đầu, những người mới tập sẽ trải qua một thời gian ngắn rèn luyện tinh thần và học hỏi các lễ nghi cơ bản liên quan đến cách đi, đứng, ngồi, chào trong Kyudo, sau đó mới tập cầm cung.
Khi đã nắm rõ các nghi thức kể trên, người tập mới bước vào giai đoạn học kĩ thuật bắn cung có tên gọi là hassetsu – bắn cung 8 bước – bao gồm 8 bước từ khi chuẩn bị tư thế đứng cho tới khi hoàn thành việc bắn tên:
- Ashibumi: Đứng ở vị trí bắn.
- Doozukuri: Trọng tâm thân trên hơi đẩy về phía trước sao cho cổ và lưng thẳng hàng với nhau.
- Yugamae: Đặt mũi tên vào dây cung, đồng thời hướng khuôn mặt về phía mục tiêu.
- Uchiokoshi: Nâng 2 tay lên một cách từ từ.
- Hikiwake: Kéo mũi tên về phía sau theo phương ngang.
- Kai: Cố định vị trí của mũi tên và nhắm bắn về mục tiêu phía trước.
- Hanare: Bắn tên.
- Zanshin: Sau khi bắn tên, tiếp tục duy trì sự tập trung.
Trong 8 bước trên sẽ bao gồm thêm một số bước nhỏ cũng như các kĩ thuật khác để hỗ trợ quá trình bắn tên. Theo sự tiến bộ của cung thủ, khoảng cách từ vị trí bắn tới bia sẽ dần dần được kéo dài ra.
Ngoài ra, cung đạo Nhật Bản có một điểm đặc biệt đó là không phân biệt tay thuận. Dù người tập thuận tay phải hay tay trái thì động tác cầm cung luôn cần thực hiện bằng tay trái, động tác kéo dây cung ra đằng sau tai luôn cần thực hiện bằng tay phải.
Ý nghĩa của bộ môn cung đạo Kyudo
Để tập luyện nhuần nhuyễn các động tác, kĩ thuật bắn và khả năng bắn bách phát bách trúng trong môn cung đạo, người tập sẽ phải kết hợp cả thể lực và tinh thần. Bộ môn thể thao này đòi hỏi người tập phải duy trì trạng thái fudoshin (ổn định, vững vàng) liên tục, do đó người tập cần rất kiên trì, nhẫn nại và có tính kỉ luật cao.
Bộ môn Kyudo đòi hỏi sự kết hợp của thể lực và tinh thần. (Ảnh từ Internet)
Để một lần bắn tên được coi là thành công, người tập không những phải bắn mũi tên chính xác vào mục tiêu mà còn cần thực hiện chính xác từng tư thế, động tác. Mỗi động tác, mỗi bước đi phải thật nhẹ nhàng, chậm rãi, duyên dáng nhưng dứt khoát, dáng người phải kết hợp với dáng cung tên sao cho thành một tư thế đẹp. Vì thế, người ta thường nói rằng trình độ cao nhất trong cung đạo Nhật Bản là khi người tập đạt đến Chân – Thiện – Mĩ:
- Chân: được đánh giá qua sự bình tâm, tiếng dây cung khi bắn tên và độ chính xác trong việc bắn trúng mục tiêu, được trau dồi theo thời gian, qua từng phát bắn tên.
- Thiện: được thể hiện qua lễ nghi và sự phi đối kháng, muốn đạt được điều này thì cung thủ phải thật bình tĩnh và điềm đạm.
- Mĩ: được đánh giá qua từng động tác, đòi hỏi các động tác phải đồng điệu với nhau, người và cung phải kết hợp để tạo thành một hình dáng tuyệt mĩ.
Cung đạo Nhật Bản hướng đến Chân – Thiện – Mĩ. (Ảnh từ Internet)
Bên cạnh đó, khi bắn cung, người tập cũng luôn phải suy nghĩ, quan sát thật kĩ để chọn mục tiêu, khi chọn được rồi thì cần hết sức tập trung để hoàn thành lần bắn. Điều này cũng giúp người tập rèn luyện sự kiên trì, nhẫn nại và áp dụng vào những lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Dụng cụ, trang phục của bộ môn Kyudo
Trong bộ môn cung đạo Nhật Bản, người tập sẽ cần trang bị các loại dụng cụ và trang phục như sau:
- Cây cung (yumi): Cây cung của môn Kyudo thường có chiều dài trung bình là trên 2 mét, được làm bằng tre, gỗ hay nhựa tổng hợp. Trước đây, những cây cung thường được làm bằng tre và sử dụng một loại keo tự nhiên (nibe) làm chất kết dính, người sử dụng cần phải đặc biệt chăm chút cho loại cung này, nhất là vào mùa mưa và mùa hè khi nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Hiện nay, những cây cung làm bằng chất liệu tổng hợp đang ngày càng phổ biến hơn.
- Mũi tên (ya): Mũi tên dùng trong cung đạo có chiều dài phù hợp với người bắn, thường sẽ dài hơn 6 – 10cm so với sải tay. Mũi tên thường được làm bằng tre và được nắn thẳng bằng tay. Trước đây, mũi tên được gắn thêm lông đại bàng hoặc lông diều hâu. Hiện nay, do đại bàng và diều hâu là những loài động vật được bảo vệ nên người ta sử dụng các loại lông vũ khác để thay thế.
- Các phụ kiện khác:
– Fudeko (bột làm từ than vỏ trấu): Loại bột này được sử dụng để bôi lên tay giúp thấm mồ hôi, giúp xoay cung dễ dàng.
– Giriko (bột nhựa thông): Loại bột này được sử dụng để bôi lên ngón tay cái và ngón tay trỏ, giúp duy trì độ bám lúc bắn tên.
– Tsurumaki: Phụ kiện này được đan bằng tre và có dây đeo bằng da, được sử dụng để cuộn dây cung dự phòng.
– Các loại bột sẽ được đựng trong hộp fukedo-ire và giriko-ire làm từ gạc hoặc sừng hoặc nhựa và được gắn vào dây đeo tsurumaki. - Găng tay (yugake): Tùy theo khả năng, trình độ, thói quen và mục đích tập cung đạo mà người tập có thể chọn những loại găng tay khác nhau, ví dụ loại găng tay 3 ngón sẽ phù hợp với loại cung có lực kéo từ 20kg trở xuống, loại găng tay 4 ngón sẽ phù hợp cho loại cung có lực kéo từ 20kg trở lên…
- Trang phục: Người tập cung đạo thường sử dụng trang phục wakufu trong các cuộc thi, các lễ hội, sự kiện, sử dụng trang phục kyudogi (gồm quần hakama màu đen hoặc xanh nước biển, áo tsutsusode màu trắng, tất tabi màu trắng) trong khi luyện tập. Với nữ giới, trang phục sẽ có thêm tấm lót trước ngực muneate để bảo vệ ngực khỏi bị dây cung bật vào trong khi bắn.
Lễ hội và cuộc thi bắn cung Kyudo tại Nhật Bản
Hằng năm, vào tuần lễ thứ hai của tháng 1, tại đền Sanjusangendo ở Kyoto đều diễn ra cuộc thi bắn cung Toshiya. Tại đây, những cung thủ sẽ bắn vào mục tiêu là tấm bia hình tròn cách xa 60m.
Cuộc thi bắn cung tại đền Sanjusangendo. (Ảnh từ Internet)
Bên cạnh đó, vào tháng 11 hằng năm, tại đền Meiji ở Tokyo sẽ diễn ra lễ hội bắn cung lớn nhất mùa thu. Ở lễ hội này thường có trình diễn cưỡi ngựa bắn cung.
Trình diễn cưỡi ngựa bắn cung tại đền Meiji. (Ảnh từ Internet)
Hiện nay, giống như nhiều nơi khác trên thế giới, môn cung đạo Nhật Bản cũng đã có mặt tại Việt Nam. Ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều có những câu lạc bộ cung đạo để bạn có thể tham gia. Nếu có nhu cầu mua sắm dụng cụ và trang phục để luyện tập môn thể thao này, bạn hãy liên hệ ngay tới Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Việt để nhận được báo giá ưu đãi nhất.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bộ môn cung đạo Kyudo của Nhật Bản – môn thể thao, võ thuật không chỉ giúp nâng cao thể lực mà còn rất hữu ích trong việc rèn luyện tâm trí, lối sống, tư tưởng.