Nghề dệt Yên Thái, nghề làm gốm Bát Tràng, nghề kim hoàn Định Côngnghề đúc đồng Ngũ Xã được người xưa đánh giá là bốn nghề thủ công truyền thống tinh hoa bậc nhất của kinh thành Thăng Long. Trong bài viết này, JAVICO sẽ chia sẻ tới bạn những thông tin chi tiết về làng nghề đúc đồng Ngũ Xã.

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã ở đâu?

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã nằm bên bờ hồ Trúc Bạch, xưa kia thuộc thôn Ngũ Xã, tổng Thuận Thành, huyện Vĩnh Thuận ở phía Tây kinh thành Thăng Long, nay thuộc quận Ba Đình, Hà Nội.

Lịch sử của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã được hình thành vào khoảng thế kỉ 17. Tương truyền, vào thời Hậu Lê, những người thợ đúc đồng tay nghề cao từ các xã Châu Mỹ, Đào Viên, Điện Tiền, Đông Mai, Lộng Thượng đã được tập hợp về kinh đô Thăng Long để lập nên trường đúc tiền và đồ thờ cho triều đình, gọi là Tràng Ngũ Xã. Sau đó, những người dân của 5 xã này cũng theo về kinh để lập nghiệp, an cư ở vùng đất ven bờ hồ Trúc Bạch và đặt tên làng là Ngũ Xã để tưởng nhớ nguồn gốc quê hương.

Người dân làng nghề đúc đồng Ngũ Xã tôn Thiền sư Nguyễn Minh Không – ông tổ của nghề đúc đồng tại Việt Nam – làm Thành hoàng làng và đúc tượng, xây đình để thờ phụng.

Thiền sư Nguyễn Minh Không là Thành hoàng làng của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã. (Ảnh từ Internet)

Thiền sư Nguyễn Minh Không là Thành hoàng làng của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã. (Ảnh từ Internet)

Sản phẩm của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã

Ban đầu, làng đúc đồng Ngũ Xã chuyên đúc tiền và các loại đồ thờ cho triều đình. Sau đó, làng nghề dần mở rộng ra đúc các loại đồ dùng và đồ thờ cúng để phục vụ cho cuộc sống hằng ngày như chậu đồng, nồi đồng, mâm đồng, các loại tượng Phật, đỉnh, lư hương, đèn nến, lọ hoa, bộ tam sự, bộ ngũ sự bằng đồng…

Hình ảnh làng nghề đúc đồng Ngũ Xã xưa. (Ảnh từ Internet)

Hình ảnh làng nghề đúc đồng Ngũ Xã xưa. (Ảnh từ Internet)

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và giải phóng Thủ đô năm 1954, làng Ngũ Xã chuyển sang nghề đúc nhôm để làm ra các loại đồ gia dụng, nồi nấu cơm, xoong chia cơm… phục vụ công cuộc chiến đấu, bảo vệ đất nước.

Khi đất nước thống nhất và bước vào giai đoạn phát triển mới, nghề đúc đồng Ngũ Xã dần được khôi phục. Hiện nay, làng đúc đồng Ngũ Xã có các dòng sản phẩm chính là:

  • Tượng đồng: tượng Phật, tượng Thánh, tượng danh nhân, tượng nghệ thuật, tượng rồng, nghê, hổ và các linh vật phong thuỷ…
  • Đồ thờ cúng bằng đồng: lư hương, bát nhang…
  • Đồ gia dụng bằng đồng: đèn, mâm…
  • Tranh nghệ thuật bằng đồng
  • Chuông đồng, trống đồng

Sản phẩm đồ thờ của làng đúc đồng Ngũ Xã. (Ảnh từ Internet)

Sản phẩm đồ thờ của làng đúc đồng Ngũ Xã. (Ảnh từ Internet)

Trong suốt chiều dài lịch sử, làng nghề đúc đồng Ngũ Xã đã cho ra đời nhiều sản phẩm tiêu biểu như: Tượng Đức Phật A Di Đà nặng 14 tấn đặt tại chùa Ngũ Xã; Tượng Đức Liên Hoa Sinh cao 1,8 mét đặt tại đỉnh tháp Mandala Tây Thiên; Tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ đặt tại đền Quán Thánh; Tượng Thiền sư Minh Không…

Tượng Đức Phật A Di Đà tại chùa Ngũ Xã. (Ảnh từ Internet)

Tượng Đức Phật A Di Đà tại chùa Ngũ Xã. (Ảnh từ Internet)

Nét đặc trưng của nghề đúc đồng Ngũ Xã

Người thợ đúc đồng Ngũ Xã là sự tổng hoà của đôi mắt nhìn thẩm mĩ, chuẩn xác, đôi tay khéo léo, tài hoa, sự thông minh, sáng tạo và sự cẩn trọng, tỉ mỉ. Các sản phẩm của làng Ngũ Xã nổi danh với màu đồng mắt cua, sản phẩm không bị rỗ, phai, có độ bền tới hàng trăm năm. Những bức tượng đồng – sản phẩm chính của làng nghề Ngũ Xã – nức tiếng gần xa vì được đúc nguyên khối mà không có khiếm khuyết nào.

Các sản phẩm của làng đúc đồng Ngũ Xã hoàn hảo không chút tì vết. (Ảnh từ Internet)

Các sản phẩm của làng đúc đồng Ngũ Xã hoàn hảo không chút tì vết. (Ảnh từ Internet)

Để tạo ra một sản phẩm, một tác phẩm hoàn chỉnh, người thợ đúc đồng Ngũ Xã phải tinh thông cả 5 kĩ thuật là đắp mô hình chi tiết liền khối để làm vật mẫu; tạo khuôn; pha trộn, nấu nguyên liệu và đúc; sửa nguội; đánh bóng sản phẩm:

  • Đắp mô hình chi tiết liền khối để làm vật mẫu: Người thợ sử dụng chất liệu là đất sét/thạch cao/nhôm. Vật mẫu làm ra phải có thần thái riêng, đòi hỏi người thợ phải vừa có mắt nghệ thuật, vừa phải hiểu biết về bối cảnh lịch sử, văn hoá.

Người thợ làng đúc đồng Ngũ Xã khéo léo làm vật mẫu. (Ảnh từ Internet)

Người thợ làng đúc đồng Ngũ Xã khéo léo làm vật mẫu. (Ảnh từ Internet)

  • Tạo khuôn: Khuôn ở làng đúc đồng Ngũ Xã có loại khuôn liền và loại khuôn hai mảnh (khuôn được đắp 2 lần, mỗi lần đắp một nửa, sau đó mới ghép lại vào nhau). Để tạo khuôn, người thợ sử dụng đất phù sa sông đã được làm sạch sạn và giấy bản pha nhuyễn để tạo ra một loại đất có độ dai vừa phải.
    Trước khi đắp đất lên vật mẫu để tạo khuôn, người thợ sẽ rắc một lớp bột vôi hoặc quét một lớp dầu lên vật mẫu để khuôn không bị dính. Trong quá trình đắp đất, người thợ sẽ miết tay thật kĩ và cẩn thận để từng đường nét, hoa văn, hoạ tiết của vật mẫu in rõ nét vào khuôn. Đợi tới sau khi đất khô, người thợ mới thực hiện bước “vô khuôn”, như vậy thì những chi tiết, đường nét của vật mẫu ăn vào khuôn mới sắc nét.

Công đoạn tạo khuôn tỉ mỉ trong từng thao tác. (Ảnh từ Internet)

Công đoạn tạo khuôn đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng thao tác. (Ảnh từ Internet)

  • Pha trộn, nấu nguyên liệu và đúc: Tuỳ vào từng loại sản phẩm mà người thợ sẽ pha trộn đồng, thiếc, chì theo một tỉ lệ nhất định. Chẳng hạn, nếu làm chuông thì các nguyên liệu sẽ được pha với nhau sao cho màu sắc ra không cần quá sáng nhưng tiếng chuông cần thật vang và trong, nếu pha sai thì khi chuông đánh có thể sẽ không thành tiếng. Còn nếu đúc tượng thì các nguyên liệu lại sẽ được pha sao cho màu sắc ra phải thật tôn quý, đảm bảo tượng có độ cứng, độ bền trường tồn với thời gian.
    Các nguyên liệu pha trộn xong sẽ được đem đi nấu. Để nấu đồng không bị khê, người thợ sẽ phải đun bằng than già. Khi nước đồng có màu vàng sáng bốc lên, người thợ sẽ rót đồng vào khuôn đã được làm nóng trước đó để đồng có thể chảy đều trong khuôn. Quá trình rót đồng phải được thực hiện thật đều tay, có sự ngừng nghỉ đúng lúc.

Công đoạn rót đồng vào khuôn được tiến hành nhịp nhàng. (Ảnh từ Internet)

Công đoạn rót đồng vào khuôn được tiến hành nhịp nhàng. (Ảnh từ Internet)

  • Sửa nguội: Sau khi dỡ sản phẩm từ khuôn ra, những phần thừa sẽ được cắt bỏ, những phần khiếm khuyết sẽ được vá, hàn lại. Tiếp đó, người thợ sẽ tiến hành các bước mài, giũa và chạm khắc, trau chuốt lại từng đường nét, hoa văn, hoạ tiết trên bề mặt sản phẩm.

Người thợ Ngũ Xã tỉ mỉ trau chuốt từng đường nét cho sản phẩm. (Ảnh từ Internet)

Người thợ Ngũ Xã tỉ mỉ trau chuốt từng đường nét cho sản phẩm. (Ảnh từ Internet)

  • Đánh bóng: Người thợ sẽ đánh bóng, sau đó lên màu cho sản phẩm.

Đồ đồng Ngũ Xã được đánh bóng cẩn thận. (Ảnh từ Internet)

Đồ đồng Ngũ Xã được đánh bóng cẩn thận. (Ảnh từ Internet)

Thực tế phát triển của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã

Qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Ngũ Xã giờ đã thành phố, nhà cửa san sát, không còn đủ chỗ cho những lò nung. So với thời hoàng kim, quy mô sản xuất ở đây không còn được như trước. Thế nhưng, ở Ngũ Xã vẫn còn những gia đình, những nghệ nhân theo nghề, gìn giữ và nối tiếp nghề, vẫn còn những nơi trưng bày và quảng bá sản phẩm đến du khách gần xa để giữ cho nghề truyền thống của cha ông không bị thất truyền, mai một.

Nơi quảng bá sản phẩm của làng đúc đồng Ngũ Xã. (Ảnh từ Internet)

Nơi quảng bá sản phẩm của làng đúc đồng Ngũ Xã. (Ảnh từ Internet)

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn thêm hiểu về nghề đúc đồng Ngũ Xã – một trong bốn nghề tinh hoa bậc nhất của đất Thăng Long.