Làng hương Quảng Phú Cầu từ lâu không chỉ nổi danh với nghề làm tăm hương, làm hương truyền thống mà còn gây ấn tượng cho bao người qua những bức ảnh ghi lại sự rực rỡ, tươi tắn của những “đóa hoa” tăm hương. Trong bài viết dưới đây, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu về làng nghề này.

Làng hương Quảng Phú Cầu ở đâu?

Khi nói đến làng hương Quảng Phú Cầu là người ta đang nói đến xã Quảng Phú Cầu, một xã thuộc huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 35km về phía Nam.

Quảng Phú Cầu được thành lập từ 3 xã là xã Quảng Nguyên (gồm các làng Quảng Nguyên, Đạo Tú), xã Phú Lương (gồm các làng Phú Lương Thượng, Phú Lương Hạ và làng Bầu, làng Bỏi) và xã Xà Cầu (chỉ gồm một làng Xà Cầu).

Hiện nay, xã Quảng Phú Cầu có diện tích khoảng 8,91 km2, gồm 6 thôn là Cầu Bầu, Đạo Tú, Phú Lương Thượng, Phú Lương Hạ, Quảng Nguyên và Xà Cầu.

Làng hương Quảng Phú Cầu có sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. (Ảnh từ Internet)

Làng hương Quảng Phú Cầu có sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. (Ảnh từ Internet)

Đến với Quảng Phú Cầu, người ta sẽ thấy một làng nghề vừa có nét dân dã, bình dị, cổ kính của một làng quê Bắc Bộ, vừa có chút mới mẻ của cuộc sống hiện đại. Nơi đây, người dân Quảng Phú Cầu vẫn luôn thầm lặng giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của cha ông.

Lịch sử của làng hương Quảng Phú Cầu

Tương truyền, xưa kia, 3 chị em nữ tướng Chiêu Nương dưới thời Hai Bà Trưng sau khi đánh đuổi quân Mã Viện đã về làng Xà Cầu lánh ngự. Trong khoảng thời gian ở cùng và được dân làng Xà Cầu che chở, bao bọc, 3 chị em nữ tướng đã vận động dân làng lao động sản xuất, tích trữ lương thực, rèn vũ khí… Đặc biệt hơn cả, dân làng đã được truyền cho cách làm hương đen.

Tăm hương đen được vót từ những thân cây tre non, bột hương đen làm từ các loại thảo mộc thiên nhiên nghiền nhỏ, mịn trộn cùng nhựa cây trám rừng. Bột hương được xe vào tăm hương, tạo thành những que hương đen. Hương đen được thắp ở những nơi linh thiêng như đình chùa, miếu mạo trong làng, được các gia đình thắp trong những ngày lễ tết, những ngày giỗ chạp…

3 chị em nữ tướng sau khi qua đời đã được dân làng tôn làm Thành hoàng làng của làng Xà Cầu và lập đền thờ.

Đền thờ 3 chị em nữ tướng Chiêu Nương. (Ảnh từ Internet)

Đền thờ 3 chị em nữ tướng Chiêu Nương. (Ảnh từ Internet)

Hiện nay, cả xã Quảng Phú Cầu rộng lớn đã trở thành một làng hương nổi bật của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung. Cả 6 thôn của xã Quảng Phú Cầu đều được công nhận là làng nghề, gồm 5 thôn tập trung vào nghề sản xuất tăm hương, còn thôn Xà Cầu tập trung vào nghề sản xuất hương đen.

Nghề tăm hương ở Quảng Phú Cầu đã có lịch sử lâu đời. (Ảnh từ Internet)

Nghề tăm hương ở Quảng Phú Cầu đã có lịch sử lâu đời. (Ảnh từ Internet)

Các sản phẩm của làng hương Quảng Phú Cầu

Trước kia, làng nghề Quảng Phú Cầu chỉ chuyên về sản phẩm tăm hương (chân hương) và hương đen. Hiện nay, theo xu thế phát triển chung, các sản phẩm của làng nghề cũng được đa dạng hóa, mở rộng ra cả hương thành phẩm (hương nén, hương vòng…), que xiên, tăm tre, chổi tre…

Dưới đây là hình ảnh những sản phẩm nổi bật của làng nghề:

Tăm hương Quảng Phú Cầu. (Ảnh từ Internet)

Tăm hương Quảng Phú Cầu. (Ảnh từ Internet)

Hương nén Quảng Phú Cầu. (Ảnh từ Internet)

Hương nén Quảng Phú Cầu. (Ảnh từ Internet)

Hương đen Quảng Phú Cầu. (Ảnh từ Internet)

Hương đen Quảng Phú Cầu. (Ảnh từ Internet)

Đặc điểm của nghề làm hương Quảng Phú Cầu

Tăm hương và các loại hương thành phẩm của làng nghề Quảng Phú Cầu thoạt nhìn thì có vẻ chẳng mấy cầu kì, phức tạp, nhưng có tìm hiểu kĩ thì mới thấy nghề hương ở đây cũng lắm công phu.

Để làm ra một que hương hoàn chỉnh, những người thợ hương Quảng Phú Cầu sẽ phải trải qua nhiều công đoạn, từ vót tăm, nhuộm màu, chuẩn bị bột hương, xe hương cho đến phơi hương và đóng gói:

  • Vót tăm: Nguyên liệu để làm tăm hương thường là thân tre, vầu. Tre, vầu được lựa chọn kĩ càng, sau đó được để khô, cắt thành đoạn rồi được chẻ gióng và hơ lửa để nắn thẳng lại, sau đó người thợ sẽ pha và vót tre, vầu thành những tăm hương thẳng, đều tăm tắp.

Tăm hương cần được vót thẳng, đều. (Ảnh từ Internet)

Tăm hương cần được vót thẳng, đều. (Ảnh từ Internet)

  • Nhuộm màu: Tăm hương sau khi vót sẽ được đem đi nhuộm màu, sau đó đem phơi cho màu khô. Ở làng hương Quảng Phú Cầu, màu sắc chủ yếu được dùng để nhuộm tăm hương là màu vàng, màu đỏ, màu hồng – những màu sắc vừa nổi bật, vừa tượng trưng cho sự may mắn trong văn hóa phương Đông.

Tăm hương Quảng Phú Cầu thường được nhuộm hồng, nhuộm đỏ, nhuộm vàng. (Ảnh từ Internet)

Tăm hương Quảng Phú Cầu thường được nhuộm hồng, nhuộm đỏ, nhuộm vàng. (Ảnh từ Internet)

  • Chuẩn bị bột hương: Nguyên liệu để làm bột hương thường là các loại thảo mộc tự nhiên, trầm, trắc, tùng, bạch chỉ, hoắc hương, quế chi, hoa hồi, nhựa trám, củ và rễ cây hương bài, than xoan… Tuy nhiên, ở Quảng Phú Cầu, mỗi nhà lại có những bí mật riêng về tỉ lệ pha trộn nguyên liệu, từ đó tạo nên mùi hương đặc biệt cho từng thương hiệu.

Mỗi gia đình lại có công thức chuẩn bị bột hương riêng. (Ảnh từ Internet)

Mỗi gia đình lại có công thức chuẩn bị bột hương riêng. (Ảnh từ Internet)

  • Xe hương: Tăm hương được vuốt nhựa và bột than hoa, sau đó được lăn vào bột hương đã chuẩn bị, bột hương sẽ kết dính vào tăm hương. Khi xe hương, người thợ phải chú ý lăn thật nhẹ, thật đều nhưng cũng phải thật chắc tay, có thế thì bột hương mới bám đều vào tăm hương, nén hương thành phẩm mới đều và đẹp, không bị nén to, nén nhỏ, chỗ dày, chỗ mỏng. Các bậc cao niên ở làng hương Quảng Phú Cầu còn cho biết rằng trước đây, không phải ai cũng có thể thực hiện công đoạn xe hương, đặc biệt là những ai láu táu, hấp tấp, hay hồi hộp, hay bị đổ mồ hôi tay.

Khi xe hương, người thợ phải lăn thật nhẹ, thật đều, thật chắc thì que hương thành phẩm mới đều và đẹp, khi đốt hương thì hương không bị tắt giữa chừng. (Ảnh từ Internet)

Khi xe hương, người thợ phải lăn thật nhẹ, thật đều, thật chắc thì que hương thành phẩm mới đều và đẹp, khi đốt hương thì hương không bị tắt giữa chừng. (Ảnh từ Internet)

  • Phơi hương: Nếu trời nắng, chỉ cần phơi một buổi là hương khô. Nhưng nếu trời mưa, âm u, thời gian phơi hương sẽ kéo dài hơn.

Nếu trời nắng, hương chỉ cần phơi một buổi là khô. (Ảnh từ Internet)

Nếu trời nắng, hương chỉ cần phơi một buổi là khô. (Ảnh từ Internet)

  • Đóng gói: Sau khi hương được phơi khô đạt yêu cầu, thành phẩm sẽ được nhặt sạch rồi đem đi đóng gói cẩn thận và đưa tới tay người tiêu dùng.

Hương thành phẩm được đóng gói để đưa tới người tiêu dùng. (Ảnh từ Internet)

Hương thành phẩm được đóng gói để đưa tới người tiêu dùng. (Ảnh từ Internet)

Những người thợ làm hương, làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu luôn tâm niệm sản phẩm mình làm ra gắn liền với tín ngưỡng của người Việt, mang giá trị tâm linh nên họ phải thật tỉ mỉ, cẩn thận trong quá trình sản xuất, không được qua loa, cẩu thả ở bất cứ công đoạn nào.

Nghề hương ở Quảng Phú Cầu nhộn nhịp quanh năm, nhưng tất bật nhất là vào khoảng 2 – 3 tháng trước Tết Nguyên đán. Vào thời điểm này, những người thợ ở làng nghề lúc nào cũng hối hả sản xuất để có thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của thị trường.

Thực tế tình hình phát triển của làng hương Quảng Phú Cầu

Hiện nay, trong làn sóng phát triển của khoa học kĩ thuật, làng nghề hương Quảng Phú Cầu cũng sử dụng các loại máy móc để hỗ trợ quá trình sản xuất, nhất là ở khâu vót tăm, xe hương. Nhờ đó, năng suất gia tăng đáng kể mà chất lượng của sản phẩm vẫn được đảm bảo. Nghề làm hương hiện vẫn đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Người dân Quảng Phú Cầu áp dụng máy móc vào quá trình sản xuất. (Ảnh từ Internet)

Người dân Quảng Phú Cầu áp dụng máy móc vào quá trình sản xuất. (Ảnh từ Internet)

Không những phát triển nghề làm hương, Quảng Phú Cầu còn nhanh nhạy bắt kịp xu thế du lịch làng nghề trong thời đại mới.

Trong quá trình sản xuất, công đoạn phơi tăm hương ở Quảng Phú Cầu đã mang lại một khung cảnh độc đáo, hút hồn: Tăm hương được nhuộm những sắc vàng, hồng, đỏ… tươi tắn được bó thành bó lớn, phần chân chụm lại, phần đầu xòe ra như đóa hoa đang nở rực rỡ trong nắng trên khắp các nẻo đường làng.

Trong nhiều năm liền, cảnh phơi tăm hương đã lọt vào ống kính của các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước, nhiều tác phẩm còn giành giải cao trong các cuộc thi. Nhờ đó, làng hương Quảng Phú Cầu đã trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước, ban đầu là để chụp những bức ảnh đẹp, sau đó dần được phát triển thành mô hình kết hợp giữa check-in và tìm hiểu, trải nghiệm nghề hương cho du khách.

Hiện nay, làng nghề cũng đã tạo ra một không gian riêng cho du khách check-in, luôn có người sắp đặt, phối màu các bó hoa tăm hương để tạo thành hình ảnh bản đồ Việt Nam, hình ảnh đường hoa… đẹp mắt, tăng sức hấp dẫn cho du lịch địa phương.

Hình ảnh những bó hoa tăm hương ở làng nghề Quảng Phú Cầu. (Ảnh từ Internet)

Những bó hoa tăm hương ở Quảng Phú Cầu được sắp đặt đẹp mắt. (Ảnh từ Internet)

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu được lịch sử của làng nghề hương Quảng Phú Cầu cũng như những công phu của nghề hương, đồng thời trân trọng những sự tìm tòi, thích ứng của làng nghề trong thời đại mới, giúp gìn giữ và phát huy hiệu quả một nghề thủ công truyền thống.