Từ lâu, áo dài đã là một trang phục truyền thống giúp tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt và là một nét đặc trưng trong văn hoá Việt Nam. Trong bài viết này, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu về lịch sử và những nét đặc sắc của làng nghề áo dài Trạch Xá – nơi có nghề may áo dài đã cả ngàn năm.

Làng nghề may áo dài Trạch Xá ở đâu?

Làng áo dài Trạch Xá thuộc thôn Trạch Xá, xã Hoà Lâm, huyện Ứng Hoà, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 60km.

Lịch sử làng áo dài Trạch Xá

Tính đến nay, làng nghề may áo dài Trạch Xá đã có hơn 1.000 năm hình thành, phát triển. Theo thời gian, những bí quyết, những quy trình may truyền thống vẫn được người dân trong làng gìn giữ và lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Tương truyền, bà Nguyễn Thị Sen – một người con của trấn Sơn Tây và là vị Hoàng phi thứ tư của vua Đinh Tiên Hoàng – chính là người đã có công truyền nghề cho người dân Trạch Xá. Theo lời kể, bà Nguyễn Thị Sen là người vô cùng thông minh, khéo léo và sáng tạo. Bà đã làm nên các mẫu quần áo cho vua, các cung phi và hoàng thân quốc thích, đồng thời còn dạy cho các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ để phát triển nghề may trong cung.

Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng qua đời (năm 979), bà Nguyễn Thị Sen từ giã hoàng cung và trở về vùng đất Trạch Xá, truyền dạy nghề may cho dân làng. Để tưởng nhớ công ơn của bà, hằng năm cứ vào ngày mất của bà (12 tháng Chạp), người dân Trạch Xá lại tổ chức lễ hội giỗ tổ nghề.

Lễ giổ tổ nghề áo dài Trạch Xá được tổ chức trang trọng hằng năm. (Ảnh từ Internet)

Lễ giổ tổ nghề áo dài Trạch Xá được tổ chức trang trọng hằng năm. (Ảnh từ Internet)

Vào thời Lý, vua Lý Thái Tổ đã cho triệu tập vào kinh đô những người thợ giỏi nhất ở làng nghề Trạch Xá để may triều phục cho hoàng tộc.

Vào những năm 1930, cụ Tạ Văn Khuất được mời vào kinh đô Huế để may áo dài cho Nam Phương hoàng hậu. Điểm đặc biệt là cụ không được trực tiếp lấy số đo của Nam Phương hoàng hậu bằng thước mà chỉ được đứng từ xa đo bằng mắt. Thế nhưng chỉ sau ít ngày, cụ đã hoàn thành bộ áo dài. Cụ được vua Bảo Đại khen và sau này vua Bảo Đại còn ra Hà Nội may đo áo dài của làng nghề Trạch Xá lần nữa.

Không chỉ hoạt động ở khu vực làng nghề, cư dân Trạch Xá còn mang nghề tới các địa phương khác trên cả nước và tạo ra những thương hiệu áo dài nổi tiếng, trong đó có rất nhiều thương hiệu lâu năm.

Những người thợ ở làng nghề Trạch Xá đem nghề may áo dài đi muôn nơi. (Ảnh từ Internet)

Những người thợ ở làng nghề Trạch Xá đem nghề may áo dài đi muôn nơi. (Ảnh từ Internet)

Năm 2004, làng nghề Trạch Xá được công nhận là Làng nghề may áo dài truyền thống. Năm 2024, nghề may áo dài Trạch Xá được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Sản phẩm của làng nghề may áo dài Trạch Xá

Sản phẩm chính của làng áo dài Trạch Xá là áo dài và các loại áo tế, áo tượng. Ngoài ra, hiện nay làng nghề còn làm thêm một số sản phẩm khác là chăn, gối và áo bông, phục trang quay phim.

Áo dài vẫn luôn là sản phẩm chính của làng nghề Trạch Xá. (Ảnh từ Internet)

Áo dài vẫn luôn là sản phẩm chính của làng nghề Trạch Xá. (Ảnh từ Internet)

Đặc điểm nổi bật của áo dài Trạch Xá

Áo dài Trạch Xá nổi tiếng với sự thướt tha, mềm mại. Để làm ra một chiếc áo dài Trạch Xá, người thợ sẽ phải trải qua các công đoạn: chọn vải, đo, cắt, may, khâu, thêu và vào cổ áo hoàn thiện.

Vải dùng để may áo thường là lụa, gấm. Chỉ được dùng không phải là các loại chỉ công nghiệp mà chính là những sợi tơ được gỡ ra từ mảnh vải dùng để may áo, điều này giúp tạo nên sự đồng nhất về chất liệu của áo dài Trạch Xá, đồng thời đảm bảo áo không bị cứng, không bị co giãn trong quá trình giặt.

Áo dài Trạch Xá chủ yếu được may từ lụa, gấm. (Ảnh từ Internet)

Áo dài Trạch Xá chủ yếu được may từ lụa, gấm. (Ảnh từ Internet)

Điểm đặc biệt nhất của một chiếc áo dài Trạch Xá chính là ở kĩ thuật khâu tay tỉ mỉ mà không loại máy móc nào có thể thay thế được. Những người thợ may áo dài ở làng nghề Trạch Xá sử dụng một kĩ thuật khâu rất đặc biệt đó là cầm kim tay dọc. Với kĩ thuật này, người thợ sẽ giữ chắc kim bằng ngón trỏ tay phải và dùng lực của ngón giữa tay phải để đẩy kim, đồng thời chuyển động mặt vải lên xuống nhịp nhàng bằng các ngón tay trái để điều chỉnh vải và điều hướng mũi kim.

Kĩ thuật cầm kim tay dọc của người thợ may áo dài Trạch Xá khiến người ngoài không thể nhìn thấy kim khi người thợ khâu áo. Đồng thời, kĩ thuật này còn giúp giấu đường kim rất hiệu quả, người thợ hoàn toàn có thể dùng chỉ đen để khâu áo trắng mà không để lộ đường khâu.

Tà áo dài Trạch Xá khi hoàn thiện sẽ đảm bảo tiêu chuẩn trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện, có nghĩa là bên trong áo phải phẳng phiu như dán hồ, còn bên ngoài áo thì các mũi kim nhỏ xíu như trứng nhện, thẳng hàng, đều tăm tắp.

Người Trạch Xá sử dụng kĩ thuật cầm kim tay dọc để khâu áo dài. (Ảnh từ Internet)

Người Trạch Xá sử dụng kĩ thuật cầm kim tay dọc để khâu áo dài. (Ảnh từ Internet)

Ở công đoạn vào cổ áo, người thợ phải cắt cổ áo thật tinh tế và vào cổ áo thật hài hoà với tổng thể bộ áo dài.

Ở Trạch Xá, nghề may áo dài được học theo cách học từ dưới lên. Mỗi người thợ may áo dài ở làng Trạch Xá thường mất khoảng 6 – 7 năm từ lúc học đến khi có thể làm nghề. Trong đó:

  • 2 năm đầu chỉ tập trung học và thực hành khâu để thành thạo mọi công đoạn khâu áo dài.
  • 3 năm tiếp theo học cách chỉnh sửa các lỗi, tiếp xúc để làm quen với mọi mặt hàng và học cách để hoàn thiện sản phẩm.
  • 1 năm chỉ chuyên đứng tiếp khách, nhìn người khách để đánh giá, hình dung cách xử lí áo thế nào để tôn lên vẻ đẹp và che đi hạn chế về mặt hình thể.
  • Cuối cùng, người thợ sẽ học cách cắt vải. Vì đã thông thạo tất cả các công đoạn nên việc cắt vải lúc này sẽ dễ dàng hơn.

Học nghề may áo dài Trạch Xá là một quá trình dài. (Ảnh từ Internet)

Học nghề may áo dài Trạch Xá là một quá trình dài. (Ảnh từ Internet)

Ở Trạch Xá, trẻ em từ nhỏ đã được làm quen với kim chỉ, với nghề may. Xưa kia, nghề chỉ được truyền cho con trai chứ không được truyền cho con gái vì đàn ông có thể đi xa, đến những nơi khác mở cửa hàng, cửa hiệu làm ăn, còn phụ nữ chỉ có nhiệm vụ chính là ở nhà làm các công việc nội trợ, chăm sóc con cái. Hơn nữa, các cụ thường có tâm lí sợ mất nghề nếu chẳng may con gái đi lấy chồng và mang nghề theo sang nhà chồng ở nơi khác. Ngoài ra, trước đây, người dân Trạch Xá chỉ cần một chiếc tay nải đựng thước, vạch, kéo, kim chỉ để đi các nơi may đồ, nếu cha và con trai đi cùng nhau thì cũng tiện hơn nhiều trong việc thuê chỗ ở trọ.

Tuy nhiên, hiện nay, ở Trạch Xá, phụ nữ cũng đã tham gia vào quá trình làm nên những chiếc áo dài. Như vậy, làng nghề vừa có thể tận dụng tất cả nguồn nhân lực sẵn có để đáp ứng số lượng đơn hàng ngày càng tăng, vừa có thể tạo nguồn thu nhập cho tất cả mọi người, giúp đời sống người dân được cải thiện tốt hơn.

Ở làng nghề Trạch Xá hiện nay, phụ nữ cũng tham gia vào việc may áo dài. (Ảnh từ Internet)

Ở làng nghề Trạch Xá hiện nay, phụ nữ cũng tham gia vào việc may áo dài. (Ảnh từ Internet)

Thực tế phát triển của nghề may áo dài Trạch Xá

Ở làng nghề may áo dài Trạch Xá, hiện có tới hơn 90% hộ gia đình theo nghề. Làng nghề đặc biệt bận rộn vào tháng 10, tháng 11 để chuẩn bị áo dài cho dịp Tết. Đặc biệt, khi xu hướng mặc cổ phục lên ngôi thì làng nghề càng như được tiếp thêm sinh khí mới, có nhiều người thợ trong làng đã chuyển sang chỉ làm áo dài ngũ thân truyền thống.

Hiện nay, mỗi năm làng nghề Trạch Xá cung cấp cho thị trường cả vạn chiếc áo dài, bên cạnh đó còn có nhiều loại áo tế, áo tượng, chăn, gối, áo bông, phục trang quay phim… Các sản phẩm của làng nghề không những được ưa chuộng trong nước mà còn được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Mông Cổ…

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về làng nghề may áo dài Trạch Xá – nơi mang đến những bộ áo dài thướt tha thấm đẫm hồn dân tộc Việt.