Làng nghề lồng chim Canh Hoạch là một làng nghề sản xuất lồng chim nổi tiếng với những chiếc lồng chim được chạm khắc vô cùng tinh xảo. Trong bài viết này, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về lịch sử và những nét độc đáo trong sản phẩm của làng nghề.

Làng nghề làm lồng chim Canh Hoạch ở đâu?

Làng nghề lồng chim Canh Hoạch nằm ở thôn Canh Hoạch, xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 30km theo hướng Tây Nam.

Lịch sử của làng nghề lồng chim Canh Hoạch

Làng nghề làm lồng chim Canh Hoạch có tuổi đời đã hơn trăm năm, trải qua nhiều thế hệ cha truyền con nối. Người dân nơi đây vẫn luôn tự hào vì những sản phẩm của làng nghề từng được trao huy chương trong các kì đấu xảo tổ chức tại Hà Nội vào thời Pháp thuộc.

Tương truyền, ông tổ nghề của làng nghề lồng chim Canh Hoạch là cụ Nguyễn Văn Tý, sống ở thế kỉ 19. Cụ truyền nghề cho con trai là Nguyễn Văn Nghi (nghệ danh là Ba Mi). Sau đó, con trai cụ Ba Mi là Nguyễn Văn Nghệ tiếp tục theo nghề và là người được phong danh hiệu nghệ nhân sớm nhất làng nghề, đồng thời từng lập kỉ lục làm ra chiếc lồng chim khổng lồ cao 2,7 mét, rộng 0,9 mét.

Đến nay, ông Nghệ vẫn luôn hãnh diện vì gia đình mình có vinh dự được làm ra những chiếc lồng chim để treo tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch theo “đơn đặt hàng” của ông Vũ Kỳ – thư ký của Bác Hồ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ bên chiếc lồng chim đã hoàn thiện. (Ảnh từ Internet)

Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ bên chiếc lồng chim đã hoàn thiện. (Ảnh từ Internet)

Các sản phẩm của làng lồng chim Canh Hoạch

Sản phẩm chính của làng nghề làm lồng chim Canh Hoạch là những chiếc lồng chim với đa dạng kích cỡ to nhỏ, dài ngắn, cao thấp, đủ hình dáng vuông, tròn, quả cầu, quả đào, quả chuông, lá vả… Các sản phẩm lồng chim của làng nghề có thể đáp ứng được nhiều kích cỡ, hình dáng và tập tính sinh hoạt của các loài chim khác nhau, không chỉ đơn thuần đem lại sự thoải mái mà còn tạo ra hứng thú cho chim để chim hay hót và tạo dáng.

Các sản phẩm lồng chim Canh Hoạch vô cùng đa dạng, phong phú về kiểu dáng, kích thước. (Ảnh từ Internet)

Các sản phẩm lồng chim Canh Hoạch vô cùng đa dạng, phong phú về kiểu dáng, kích thước. (Ảnh từ Internet)

Bên cạnh đó, hiện nay những người thợ ở làng nghề còn làm thêm cả những mẫu đèn trang trí hình lồng chim để đáp ứng thị hiếu của khách hàng.

Lồng chim của làng nghề Canh Hoạch có gì độc đáo?

Sản phẩm lồng chim Canh Hoạch không gia tăng giá trị bằng cách đắp lên những nguyên liệu đắt tiền như vàng bạc, ngà voi mà chú trọng vào việc sáng tạo mẫu mã, thực hiện tỉ mỉ từng chi tiết và đảm bảo chất lượng bền đẹp. Người thợ nơi đây phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, không những cần đôi tay khéo léo, sự cẩn thận, sáng tạo mà còn phải tìm hiểu thật kĩ về hình dáng, tập tính của các loài chim để tạo ra được chiếc lồng đẹp và phù hợp nhất cho từng loài chim.

Lồng chim Canh Hoạch ghi điểm bởi sự bền, đẹp, tỉ mỉ, sáng tạo trong từng chi tiết. (Ảnh từ Internet)

Lồng chim Canh Hoạch ghi điểm bởi sự bền, đẹp, tỉ mỉ, sáng tạo trong từng chi tiết. (Ảnh từ Internet)

Nguyên liệu để làm lồng chim Canh Hoạch chủ yếu là tre, nứa, trúc, gỗ thị, gỗ mít.

  • Phần đế lồng được làm bằng gỗ thị, gỗ mít, vừa mềm giúp dễ chạm khắc, trang trí, vừa có hiệu quả chống mối mọt cao.
  • Các chi tiết khác của lồng được làm chủ yếu từ các loại tre, nứa, trúc được lựa chọn kĩ càng.
    Ví dụ với tre thì phải chọn loại tre đực khoảng 3 năm tuổi, không được quá già cũng không được quá non, không bị nổi củ, gốc củ phải chìm dưới đất, phải có đủ tay, mắt, mầm măng. Tre sau khi mua về phải trải qua nhiều công đoạn bổ, uốn, nắn, luộc, ngâm, hun… để loại bỏ hết nhựa, giảm mối mọt và tăng sự bền chắc, có thế thì lồng chim càng dùng mới càng lên nước bóng, đẹp.

Tre – nguyên liệu chính để làm ra lồng chim Canh Hoạch có mặt ở khắp các đường làng, ngõ xóm. (Ảnh từ Internet)

Tre – nguyên liệu chính để làm ra lồng chim Canh Hoạch có mặt ở khắp các đường làng, ngõ xóm. (Ảnh từ Internet)

Để sản phẩm lồng chim được đẹp và chắc chắn, hầu hết các công đoạn đều phải làm thủ công để có thể uốn nắn, điều chỉnh kịp thời. Để cho ra đời một chiếc lồng chim Canh Hoạch, người thợ sẽ phải trải qua nhiều bước quang dầu, vót nan làm đáy, làm vanh, làm cửa, làm cầu, trang trí trên vanh, ráp lồng… Các chi tiết đều phải được thực hiện tỉ mỉ, đảm bảo sự tinh xảo, các công đoạn phải được thực hiện cẩn thận, đảm bảo lồng càng để lâu càng rắn chắc và bóng đẹp. Trong đó:

  • Các nan lồng phải được chuốt tròn, thẳng, đều tăm tắp.
  • Các khâu làm vanh, khoan vanh, uốn vai lồng phải được thao tác cẩn thận, đảm bảo khi dựng thì lồng chim thẳng, vai vuông, vanh cân đối.
  • Các chi tiết chạm trổ được thực hiện cầu kì với nhiều loại hoa văn như long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai, Ngũ Long tranh châu, Thập bát La hán, đám cưới chuột trong tranh dân gian Đông Hồ, các chữ vạn, nhật, thọ… Trong số đó, hoa văn trang trí Bát Tiên là phức tạp nhất khi mỗi chân lồng được chạm khắc 8 vị tiên, tổng cộng là 24 vị tiên ở 3 chân lồng.
  • Khi ngồi từ bên này nhìn sang bên kia, nan lồng bên này phải che khuất nan lồng bên kia.

Người thợ Canh Hoạch tỉ mỉ chạm khắc trang trí lồng chim. (Ảnh từ Internet)

Người thợ Canh Hoạch tỉ mỉ chạm khắc trang trí lồng chim. (Ảnh từ Internet)

Thực tế phát triển của làng nghề làm lồng chim Canh Hoạch

Các sản phẩm lồng chim của làng nghề Canh Hoạch không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu tới nhiều quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Australia…

Trước năm 2000, người dân ở làng nghề chủ yếu chỉ làm lồng chim theo thời vụ. Hiện nay, cả làng có tới hơn 1.000 hộ lấy đây làm nghề chính, mỗi ngày làm ra hàng nghìn chiếc lồng chim. Những chiếc lồng chim ở đây loại phổ thông có giá bán khoảng vài trăm nghìn đồng, loại cầu kỳ có giá bán có thể lên tới vài chục triệu đồng.

Nghề làm lồng chim Canh Hoạch giúp cải thiện kinh tế và đời sống nhân dân tại địa phương. (Ảnh từ Internet)

Nghề làm lồng chim Canh Hoạch giúp cải thiện kinh tế và đời sống nhân dân tại địa phương. (Ảnh từ Internet)

Nghề sản xuất lồng chim ở Canh Hoạch đem lại giá trị lên tới hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, đời sống của người dân nơi đây cũng được cải thiện đáng kể, những người thợ tay nghề cao có thể có thu nhập lên tới vài chục triệu đồng mỗi tháng.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về làng nghề lồng chim Canh Hoạch – làng nghề xây nhà cho chim cảnh nức tiếng gần xa.