Khi nhắc tới những làng nghề mộc, chạm khắc gỗ nổi tiếng ở Việt Nam, không ai có thể bỏ qua cái tên Thiết Úng. Trong bài viết này, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu về lịch sử và những nét độc đáo của làng nghề đồ gỗ mĩ nghệ Thiết Úng.
Làng nghề đồ gỗ mĩ nghệ Thiết Úng ở đâu?
Làng nghề Thiết Úng thuộc thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 20km theo hướng Đông Bắc.
Lịch sử của làng nghề Thiết Úng
Thiết Úng có tên Nôm là làng Ống, xa xưa trước đây được gọi là Xa Lập phường. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thiết Úng là một xã thuộc tổng Hà Lỗ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội.
Không ai biết chính xác nghề chạm khắc gỗ, tạc tượng có mặt ở Thiết Úng từ năm nào, chỉ biết khi có tên gọi Thiết Úng thì nơi đây đã có nghề và nghề truyền thống này đã được lưu truyền, nối tiếp qua biết bao thế hệ.
Dân làng Thiết Úng đã xây nhà thờ tổ nghề ngay bên trái đình làng Thiết Úng để bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân với người có công truyền bá nghề cho người dân nơi đây. Vào tháng Giêng hằng năm, bên cạnh lễ hội ở đình làng, người dân cũng thực hiện nghi thức dâng hương, dâng lễ vật cúng tổ cũng như tổ chức hoạt động trưng bày những sản phẩm tinh xảo, đẹp nhất tại sân của nhà thờ tổ nghề.
Nhà thờ tổ nghề của làng nghề đồ gỗ mĩ nghệ Thiết Úng. (Ảnh từ Internet)
Ban đầu, các sản phẩm của làng nghề Thiết Úng làm ra chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân trong làng, sau đó dần được yêu thích, danh tiếng lan rộng.
Từ xa xưa, những người thợ ở làng nghề Thiết Úng đã tập hợp thành nhóm, đi đến các vùng miền trong cả nước để sản xuất và xây dựng, trong đó có nhiều công trình còn được lưu giữ đến ngày nay như cửa võng đình Vĩnh Thanh, đình Lỗ Khê, đình Vân Điềm, đình Thiết Úng, đình Hà Khê…
Đình Thiết Úng là công trình có sự góp sức của những người thợ làng nghề Thiết Úng vẫn còn được lưu giữ tới ngày nay. (Ảnh từ Internet)
Vào thời Nguyễn, nhiều nghệ nhân ở làng nghề Thiết Úng được triệu vào tham gia xây dựng các cung điện, lăng tẩm cho vua chúa, nhiều người được triều đình ban sắc phong nhờ đôi tay khéo léo, tài hoa. Đến nay, nhà thờ tổ nghề của làng nghề đồ gỗ mĩ nghệ Thiết Úng vẫn còn lưu giữ 2 đạo sắc phong của vua triều Nguyễn.
Bên cạnh đó, làng nghề đồ gỗ mĩ nghệ Thiết Úng hiện cũng còn lưu giữ được tới hơn 100 mẫu mã đẹp từ cổ xưa.
Sản phẩm của làng nghề đồ gỗ mĩ nghệ Thiết Úng
Trước đây, các sản phẩm của làng nghề đồ gỗ mĩ nghệ Thiết Úng chủ yếu là các loại khay, tráp, hộp trầu, hộp đựng trang sức, tủ chè, sập gụ, tràng kỉ, án thư… và được bày bán tại các con phố Hàng Khay, Hàng Quạt, Hàng Trống…
Nét chạm từ xa xưa của người thợ Thiết Úng. (Ảnh từ Internet)
Năm 1959, HTX điêu khắc Từ Vân được thành lập ở làng nghề và sản xuất các sản phẩm đồ gỗ mĩ nghệ như tượng Phật, con giống, tranh ảnh… Năm 1960, làng nghề có thêm sản phẩm làm từ ngà voi. Năm 1965 – 1968, HTX điêu khắc Từ Vân mở rộng thêm các nghề mộc, nề, cưa, xẻ, rèn.
Những sản phẩm tinh xảo của làng nghề Thiết Úng hiện nay. (Ảnh từ Internet)
Hiện nay, dưới sự thay đổi của kinh tế, xã hội, làng nghề Thiết Úng cũng ngày càng đa dạng hoá sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các sản phẩm của làng nghề hiện được chia thành 2 nhóm là đồ nội thất và đồ mĩ nghệ:
- Đồ nội thất gồm các loại bàn ghế, tủ quần áo, tủ chè, tủ đựng bát, giường, sập…
- Đồ mĩ nghệ gồm các loại tượng gỗ, tranh gỗ như tượng Di Lặc, Đạt Ma tổ sư, Phật Bà Quan Âm, 18 vị La Hán, Tam Đa Phúc Lộc Thọ, thần Tài, anh hùng tương ngộ, cô gái quan họ, tượng hình người các tư thế, tượng các con vật trong đời sống…
Ngoài ra, làng nghề đồ gỗ Thiết Úng hiện còn nổi tiếng với những sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm như móc khoá, bút, lịch để bàn… được khắc logo, khắc tên, khắc chữ, khắc hình ảnh bằng máy khắc hiện đại để phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Sản phẩm đồ gỗ Thiết Úng có gì đặc biệt?
Ở làng nghề Thiết Úng, có một điểm đặc biệt là mỗi gia đình, mỗi nghệ nhân lại có một dấu ấn, một phong cách, một dòng sản phẩm riêng, không sao chép, không rập khuôn, không ai lẫn với ai. Chính vì thế, các sản phẩm của làng nghề không chỉ có sự đa dạng, độc đáo mà sự sáng tạo của mỗi người cũng được phát huy tối đa.
Để tạo ra một sản phẩm đẹp, mỗi người thợ, người nghệ nhân Thiết Úng phải luôn nằm lòng rằng mỗi chi tiết trên sản phẩm đều phải hài hoà, mỗi bức tượng đều phải toát lên thần thái riêng… Người thợ, người nghệ nhân ở đây không những phải có bộ óc sáng tạo, đôi tay khéo léo, sự cẩn thận, tỉ mỉ trong từng thao tác… mà còn phải trải qua hàng chục năm làm nghề, mày mò nghiên cứu, tích luỹ kinh nghiệm để trở nên lành nghề, có thể mang đến những sản phẩm tinh xảo cho người, cho đời.
Để trở thành người thợ giỏi ở làng nghề Thiết Úng là một quá trình khổ luyện vô cùng vất vả. (Ảnh từ Internet)
Ở làng Thiết Úng, việc chọn gỗ nguyên liệu được tiến hành rất kĩ lưỡng vì nguyên liệu có tốt thì sản phẩm mới đẹp, chất lượng. Gỗ được chọn phải có thớ dẻo, mịn, ít cong vênh và đảm bảo có độ bền chắc. Gỗ mua về sẽ được loại bỏ phần giác gỗ, sau đó được đem đi luộc nhiều ngày để gỗ không bị cong vênh do thời tiết.
Sau quá trình sơ chế là công đoạn pha gỗ. Cây gỗ lớn sẽ được chia thành những thanh gỗ nhỏ với kích thước phù hợp cho từng loại sản phẩm. Đây là một công đoạn rất quan trọng, không cẩn thận sẽ dẫn đến chỗ thừa chỗ thiếu, làm ảnh hưởng tới vẻ đẹp và chất lượng của sản phẩm sau cùng. Vì thế, việc pha gỗ thường do những người nghệ nhân, người thợ giỏi giàu kinh nghiệm thực hiện.
Tiếp theo là công đoạn đục, khảm gỗ. Ở bước này, người thợ sẽ khéo léo đục, khảm lên từng thanh gỗ, đảm bảo có thể phô bày hết vẻ đẹp của từng đường vân, từng thớ gỗ. Với những người thợ lành nghề, mọi đường nét của bức tượng, bức tranh… đều đã được định hình sẵn trong đầu, họ biết rõ chỗ nào cần vát tròn, chỗ nào cần gấp khúc, chỗ nào cần thêm hoạ tiết… để hình ảnh, thần thái của sản phẩm dần dần hiện lên sau mỗi nhát đục, nhát chàng.
Người thợ Thiết Úng khéo léo đục, khảm gỗ. (Ảnh từ Internet)
Sau công đoạn đục, khảm, người thợ sẽ làm sạch, gọt nhẵn các chi tiết và chạm trổ thêm một số hoa văn để tăng sự tinh xảo cho sản phẩm. Tiếp đó, sản phẩm được đem đi làm bóng, người thợ sẽ lăn sơn ta lên trên mặt gỗ để khô, dùng đá cán sao cho phẳng rồi dùng trấu, lá ngái, lá chuối để đánh bóng sản phẩm.
Cuối cùng, người thợ sẽ dùng sáp ong để xoa một lớp mỏng lên sản phẩm, chờ đến khi lớp sáp ong khô thì dùng giẻ để lau nhẹ cho tới khi độ bóng của sản phẩm đạt đến mức cần thiết là sản phẩm hoàn thành.
Sản phẩm gỗ mĩ nghệ của làng nghề Thiết Úng sau khi hoàn thiện. (Ảnh từ Internet)
Hiện nay, các khâu sơ chế gỗ, định hình, chế tác sản phẩm trên vẫn được làng nghề Thiết Úng duy trì, tuy nhiên người thợ sẽ có thêm sự hỗ trợ của máy móc để giảm bớt sức người và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sản phẩm, chẳng hạn như dùng máy cưa để xẻ gỗ, dùng máy vanh để tạo dáng cơ bản, dùng giấy nhám để làm nhẵn, dùng máy để phun dầu…
Nhiều công đoạn sản xuất ở làng nghề Thiết Úng hiện nay đã có sự hỗ trợ của máy móc. (Ảnh từ Internet)
Thực tế phát triển của làng nghề đồ gỗ mĩ nghệ Thiết Úng
Hiện nay, các sản phẩm đồ gỗ của làng nghề Thiết Úng có mặt tại nhiều địa phương trong cả nước. Không chỉ thế, nhiều sản phẩm của làng nghề còn được xuất khẩu tới các nước châu Âu, Mĩ, Nhật Bản, Trung Quốc…
Bên cạnh đó, các công ty, các hộ gia đình ở làng nghề cũng ngày càng đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là việc vận hành các loại máy đục, máy hạ nền thông qua máy tính để tăng cường sự chính xác trong quá trình sản xuất.
Việc quảng bá hình ảnh của sản phẩm, của làng nghề, việc đào tạo nghệ nhân trẻ cũng được người dân và địa phương chú trọng, đẩy mạnh. Đặc biệt, năm 2025, làng nghề Thiết Úng đã được công nhận là điểm du lịch làng nghề.
Các hoạt động quảng bá hình ảnh sản phẩm, làng nghề Thiết Úng được đẩy mạnh. (Ảnh từ Internet)
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về làng nghề đồ gỗ mĩ nghệ Thiết Úng – nơi luôn tìm cách bảo tồn, gìn giữ và phát triển những tinh hoa của một nghề thủ công truyền thống lâu đời.