Tranh Đông Hồ là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất của Việt Nam. Trong bài viết này, JAVICO sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về làng nghề tranh Đông Hồ.

Làng nghề tranh Đông Hồ ở đâu?

Làng tranh dân gian Đông Hồ nằm bên bờ sông Đuống hiền hoà. Hiện nay, làng tranh Đông Hồ thuộc địa phận phường Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 35km.

Bên trong nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ ở Bắc Ninh. (Ảnh từ Internet)

Bên trong nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ ở Bắc Ninh. (Ảnh từ Internet)

Lịch sử của làng nghề vẽ tranh Đông Hồ

Nghề làm tranh dân gian ở làng Đông Hồ đã xuất hiện từ khoảng thế kỉ 16, 17. Giai đoạn từ thế kỉ 19 đến nửa đầu thế kỉ 20 là thời kì phát triển cực thịnh của làng tranh Đông Hồ, trong làng khi đó có 17 dòng họ thì tất cả đều theo nghề.

Tranh Đông Hồ nức tiếng một thời. (Ảnh từ Internet)

Tranh Đông Hồ nức tiếng một thời. (Ảnh từ Internet)

Các loại tranh của làng Đông Hồ

Tranh dân gian Đông Hồ có 7 loại chính là tranh thờ, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh chúc tụng, tranh phản ánh sinh hoạt và tranh cảnh vật.

Trước đây, tranh Đông Hồ chủ yếu được bán vào dịp Tết Nguyên đán, người dân mua tranh về dán lên tường, hết một năm thì bỏ đi để thay bằng tranh mới.

Tranh dân gian Đông Hồ không chỉ khắc hoạ lại hoạt động sinh hoạt, sản xuất trong đời sống hằng ngày như Chăn trâu thổi sáo, Đấu vật, Hứng dừa… mà còn phản ánh những ước mơ, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn như Vinh hoa, Phú quý, Lợn đàn, Gà đàn… Tranh Đông Hồ vừa dung dị, gần gũi, vừa thể hiện những triết lí nhân văn sâu sắc.

Tranh Bịt mắt bắt dê tái hiện một trò chơi dân gian của Việt Nam. (Ảnh từ Internet)

Tranh Bịt mắt bắt dê tái hiện một trò chơi dân gian của Việt Nam. (Ảnh từ Internet)

Tranh Đông Hồ có gì đặc biệt?

Tranh dân gian Đông Hồ được in trên giấy điệp – loại giấy làm từ vỏ cây dó, vỏ sò điệp và hồ dán. Cây dó mọc ở trên rừng được người dân đem về, cho vào cối giã nhỏ rồi rây kĩ để lấy bột mịn, phần bột này được dùng để làm thành giấy dó. Vỏ sò điệp được nghiền nát rồi trộn cùng hồ dán, sau đó được quét lên mặt giấy dó bằng chổi lá thông. Khi hoàn thành, sẽ thấy rõ chổi lá thông để lại những nét rãnh chạy theo đường quét, còn những mảnh điệp sáng lấp lánh trên giấy.

Bề mặt giấy điệp. (Ảnh từ Internet)

Bề mặt giấy điệp. (Ảnh từ Internet)

Màu được sử dụng trong tranh Đông Hồ được lấy hoàn toàn từ tự nhiên: màu đen lấy từ than gỗ xoan, than rơm nếp, than lá tre được ngâm kĩ trong chum vại tới vài tháng; màu xanh lấy từ lá chàm, gỉ đồng; màu vàng lấy từ hoa hoè, hoa dành dành; màu đỏ lấy từ gỗ vang, sỏi son trên núi Thiên Thai; màu trắng lấy từ vỏ điệp… Điểm đặc biệt về màu sắc trong tranh Đông Hồ đó là các màu đều là màu cơ bản, không có sự pha trộn màu, mỗi màu tương ứng với một bản khắc. Nếu không tính phần nét vẽ màu đen, mỗi bức tranh Đông Hồ thường chỉ có tối đa là 4 màu.

Màu sắc trong tranh Đông Hồ được làm từ những nguyên liệu tự nhiên. (Ảnh từ Internet)

Màu sắc trong tranh Đông Hồ được làm từ những nguyên liệu tự nhiên. (Ảnh từ Internet)

Ván in tranh Đông Hồ có 2 loại là ván in nét và ván in màu. Ván in nét được làm từ gỗ thị là loại gỗ mềm, dễ khắc; ván in màu được làm từ gỗ mỡ là loại gỗ có khả năng giữ màu tốt. Để khắc ván in tranh, người thợ cần dùng tới bộ ve gồm 30 – 40 loại mũi đục khác nhau. Mẫu tranh sẽ được sáng tác trước, thường là được vẽ bằng bút lông và mực Tàu lên giấy bản mỏng, sau đó mới được đục, khắc lên ván gỗ.

Ván in tranh Đông Hồ được khắc rất kì công. (Ảnh từ Internet)

Ván in tranh Đông Hồ được khắc rất kì công. (Ảnh từ Internet)

Mỗi bức tranh Đông Hồ thường dùng 5 bản ván in (1 bản ván in nét và 4 bản ván in màu), tương đương với 5 lần in, màu nhạt in trước, màu đậm in sau, phần nét đen in cuối cùng. Quy trình in tranh Đông Hồ diễn ra như sau:

  • Dùng chổi lá thông nhúng vào chậu màu để lấy màu, sau đó quét đều lên bề mặt bìa.
  • Cầm co ván dập đi dập lại tấm ván xuống mặt bìa đã phết màu để màu thấm đều lên mặt ván.
  • Đặt ván in lên giấy và ấn mạnh để giấy dính vào ván, sau đó lật ngửa phần ván đã dính giấy lên rồi dùng xơ mướp xoa đều lên giấy để màu trên mặt ván thấm đều lên mặt giấy.

Tranh Đông Hồ được in thủ công qua nhiều bước. (Ảnh từ Internet)

Tranh Đông Hồ được in thủ công qua nhiều bước. (Ảnh từ Internet)

  • Gỡ tờ tranh khỏi ván in, phơi đến khi khô thì lần lượt in các màu tiếp theo. Độ lệch của các ván màu càng ít thì tranh sẽ càng đẹp.
  • Dùng ván in nét để in toàn bộ các nét trong tranh (màu đen) để tạo viền.
  • Cuối cùng, đem tranh phơi cho khô để tranh không bị lem màu và màu trong tranh được bền.

Tranh Đông Hồ được đem phơi cho khô. (Ảnh từ Internet)

Tranh Đông Hồ được đem phơi cho khô. (Ảnh từ Internet)

Tranh Đông Hồ thể hiện những triết lí nhân sinh sâu sắc thông qua việc tái hiện hình ảnh những nhân vật trong các tích truyện, trong truyền thuyết, những cảnh đẹp của quê hương, đất nước, những hình ảnh về sinh hoạt đời thường… nên rất dung dị và gần gũi.

Tranh Đông Hồ gần gũi với đời sống. (Ảnh từ Internet)

Tranh Đông Hồ gần gũi với đời sống. (Ảnh từ Internet)

Bên cạnh đó, tranh Đông Hồ được tạo ra bằng lối vẽ đơn tuyến bình đồ chứ không áp dụng những nguyên tắc về ánh sáng, về luật xa – gần nên có tính ước lệ cao, nét vẽ đơn giản, đôi khi có vẻ ngây ngô nhưng lại tạo ra sự thú vị rất riêng.

Đặc biệt, tranh Đông Hồ thời xưa thường được đề thêm chữ Hán, chữ Nôm, thời nay thường được đề thêm một vài câu thơ nên luôn có phần ý vị, sâu sắc.

Tranh Đông Hồ có tính ước lệ cao, thể hiện nhiều triết lí sâu sắc. (Ảnh từ Internet)

Tranh Đông Hồ có tính ước lệ cao, thể hiện nhiều triết lí sâu sắc. (Ảnh từ Internet)

Thực tế phát triển của làng nghề tranh Đông Hồ hiện nay

Hiện nay, ở làng Đông Hồ, không còn nhiều người theo nghề làm tranh như xưa. Những người còn làm tranh là những người rất tha thiết với nghề, luôn đau đáu tìm cách để giữ nghề truyền thống của cha ông. Họ rất tích cực trình diễn, giới thiệu, quảng bá nghề làm tranh, tìm đầu ra cho tranh Đông Hồ cũng như truyền nghề cho lớp trẻ.

Du khách thích thú với trải nghiệm tìm hiểu, tự in tranh Đông Hồ. (Ảnh từ Internet)

Du khách thích thú với trải nghiệm tìm hiểu, tự in tranh Đông Hồ. (Ảnh từ Internet)

Tranh Đông Hồ hiện nay được nhiều khách sạn, nhà hàng… treo trang trí. Làng tranh Đông Hồ được nhiều du khách trong và ngoài nước ghé thăm để tham quan, tìm hiểu về nghề làm tranh, trải nghiệm tự in tranh… Những hoạ tiết trong tranh Đông Hồ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như thiết kế đồ hoạ, thời trang, nội thất… Chính những điều này đã tạo thêm động lực cho những nghệ nhân ở làng tranh Đông Hồ tiếp tục công cuộc khôi phục và sáng tạo, gìn giữ và phát huy một dòng tranh dân gian độc đáo của dân tộc.

Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về làng nghề tranh dân gian Đông Hồ – nơi lưu giữ những giá trị truyền thống đặc sắc của văn hoá dân gian Việt Nam.